Tuyên truyền pháp luật đối với đồng bào DTTS: Đôi điều suy nghĩ
12:41 PM 06/10/2011 | Lượt xem: 2204 In bài viết |Với đặc thù kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, các kiến thức về pháp luật còn rất hạn chế. Những va chạm trong cuộc sống hằng ngày như tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, quản lý và bảo vệ rừng... thường xuyên xảy ra. Các cán bộ tuyên truyền pháp luật phải thường xuyên đi xuống cơ sở tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, do đặc thù mỗi dân tộc, có tiếng nói, chữ viết khác nhau nên rất khó khăn cho các cán bộ tuyên truyền, đa số cán bộ tuyên truyền sử dụng tiếng Kinh. Những bất đồng ngôn ngữ khiến cho công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, việc tuyên truyền được thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, phát trên loa truyền thanh, thông qua các phiên tòa xét xử lưu động... nhưng hiệu quả nhất là phương pháp tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh. Tuy nhiên, thời lượng phát sóng thường hạn chế và chỉ hiệu quả khi thực hiện tại địa phương đó có duy nhất một thành phần bản địa DTTS sinh sống, vì loa truyền thanh chỉ phát một thứ tiếng của đồng bào DTTS bản địa. Một hình thức tuyên truyền nữa là, cán bộ tuyên truyền xuống tận địa phương tuyên truyền bằng miệng, nhưng lại phải thông qua trưởng thôn hoặc già làng phiên dịch, vì thế, không thể đánh giá được nội dung phiên dịch đó có chính xác với nội dung tuyên truyền hay không?
Vì vậy, điều thiết nghĩ là các địa phương miền núi cần tăng cường mở lớp đào tạo tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tuyên truyền, hoặc bồi dưỡng trực tiếp cho cán bộ là người DTTS về công tác truyên truyền phổ biến pháp luật. Coi đó là tiêu chí để bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức vào đúng chức năng và nhiệm vụ của công tác tuyên truyền. Có như vậy, nhiệm vụ tuyên truyền mới đạt được hiệu quả.
Đỗ Văn Nhân (Nguồn: Báo Dân tộc)