Tổng Bí thư Tô Lâm: Điện Biên cần phát huy "tinh thần Điện Biên Phủ"
1 ngày trước | Lượt xem: 66 In bài viết |Chiều 27/7, tại tỉnh Điện Biên, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về tình hình và kết quả triển khai, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương gần đây, công tác lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cùng dự có: Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ... Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cùng tham dự buổi làm việc
Về phía tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mùa A Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy; Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh.
Báo cáo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cho biết: Điện Biên đã hoàn thành 22.300 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà ở cho hộ nghèo. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 98%. Chất lượng giáo dục, y tế nâng lên. Giữ vững chủ quyền biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng quan hệ đối ngoại hiệu quả với các tỉnh Bắc Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Nga…
Về kiến nghị, đề xuất, tỉnh Điện Biên đề nghị Trung ương một số nội dung như: Ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh miền núi như Điện Biên; quan tâm dự án đầu tư cao tốc Sơn La - Điện Biên - Tây Trang (khoảng 21.334 tỷ đồng); bổ sung vốn đầu tư khu kinh tế cửa khẩu A Pa Chải và cơ sở dữ liệu đất đai (đề nghị hỗ trợ 1.300 tỷ đồng); tạo điều kiện để tỉnh thu hút các tập đoàn lớn (Vingroup, Sun Group) đầu tư.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc - Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp, thành viên đoàn công tác Đảng, Nhà nước đề nghị tỉnh Điện Biên sớm hoàn thiện cơ cấu, quy hoạch cán bộ, cấp ủy cấp xã; hoàn thiện hệ thống văn bản thống nhất từ các cấp; đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh, trật tự biên giới, phòng, chống ma túy; quan tâm chỉ đạo phát triển trồng cây mắc ca...
Trao đổi, làm rõ hơn về một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua các chính sách an sinh xã hội của tỉnh Điện Biên cơ bản được triển khai đúng - đủ - kịp thời, đặc biệt là chính sách đối với người có công, người nghèo và đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Điện Biên vẫn còn ở mức rất cao, khoảng 17%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 11%, đang là tỉnh có hộ nghèo cao nhất cả nước. Trong số tỷ lệ hộ nghèo này, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số; có khoảng 3,7% hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo (vì không có sức lao động). Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị sớm chuyển sang chế độ hỗ trợ.
Liên quan đến tỉnh hình triển khai xóa nhà tạm tại Điện Biên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, từ sáng kiến kinh nghiệm của Bộ Công an khánh thành ngôi nhà đầu tiên vào ngày 11/11/2019 tặng gia đình hộ đồng bào ở huyện Mường Nhé, đến năm 2024, tỉnh Điện Biên đã giải quyết được 22.000 căn nhà, còn lại 7.000 căn nhà cần thực hiện trong năm 2024-2025. Bằng các nguồn vận động xã hội, trong năm vừa qua, Trung ương đã ủng hộ cho Điện Biên 324 tỷ dành cho xây dựng nhà ở xã hội và nhà dành cho người có công. Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh triển khai hỗ trợ đúng định mức, hoàn thành trước ngày 31/8/2025.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng cũng cho biết, hiện nay tỉnh Điện Biên có 80 nghĩa trang liệt sĩ với 6.300 liệt sĩ nằm lại đây, trong đó có 4 nghĩa trang quốc gia. Số liệt sĩ chưa xác định được thông tin nằm rất nhiều ở Điện Biên, trong năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Ngân hàng Gen liệt sĩ, Bộ trưởng mong muốn tỉnh Điện Biên sẽ dành nhiều thời gian, công sức hơn thực hiện Ngân hàng Gen này.
Trả lời các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Điện Biên, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải đáp một số vấn đề về thủ tục đầu tư hạ tầng giao thông (cao tốc Sơn La - Điện Biên - Tây Trang); định hướng phương án phát triển sản xuất chế biến nông sản trên cơ sở dữ liệu về đất đai…
Quang cảnh buổi làm việc.
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, chuyển đổi tư duy phát triển. Với tốc độ tăng trưởng GRDP gần 9% mỗi năm, thu hút 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư, Điện Biên từng bước khẳng định vị thế mới. Tỉnh đã tiếp cận nghiêm túc các chủ trương lớn của Trung ương, đạt kết quả rõ nét như giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 17,66%, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai hiệu quả các dự án hạ tầng trọng điểm. Thành công trong tổ chức các sự kiện lớn như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch quốc gia 2024 đã giúp quảng bá hình ảnh và tạo động lực mới cho phát triển của Điện Biên.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra những hạn chế của tỉnh như nội lực kinh tế còn yếu, hạ tầng kết nối thiếu đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao ở vùng sâu, vùng xa, tiềm ẩn phức tạp an ninh phi truyền thống. Tổng Bí thư nhấn mạnh "tinh thần Điện Biên Phủ” cần tiếp tục được phát huy trong thời bình như một mệnh lệnh phát triển.
Tổng Bí thư đề nghị Điện Biên tập trung 6 định hướng lớn: Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực; phát triển kinh tế dựa trên hạ tầng- công nghệ- nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng văn hóa- xã hội; bảo đảm quốc phòng- an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, kêu gọi các ban, ngành Trung ương hỗ trợ tối đa về thể chế và nguồn lực cho Điện Biên phát triển nhanh, bền vững.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ kỳ vọng Điện Biên sẽ trở thành điểm sáng về cải cách, sáng tạo và phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
(Nguồn: qdnd.vn)