Người Brâu, Rơ Măm được đổi đời
09:38 AM 18/01/2011 | Lượt xem: 2849 In bài viết |Brâu và Rơ Măm là hai dân tộc ở tỉnh Kon Tum nằm trong số năm dân tộc thiểu số có số dân ít hơn 1.000 người của cả nước (gồm Si La, 622 người; Pu Péo, 617 người; Ơ Ðu, 382 người; Brâu, 499 người; Rơ Măm, 398 người) đang đứng trước một số nguy cơ suy giảm dân số, mai một văn hóa truyền thống, tỷ lệ đói nghèo cao... Ðể giúp các dân tộc này có cơ hội phát triển từ năm 2006, Chính phủ đã có dự án đầu tư, hỗ trợ tập trung vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống, y tế - giáo dục và các hoạt động văn hóa.
Brâu hiện có 109 hộ, 499 nhân khẩu cư trú chủ yếu ở bốn làng, gồm Ðác Mế, Iêk, Ta Ka, Măng Tôn thuộc xã Bờ Y; dân tộc Rơ Măm có 101 hộ, 398 nhân khẩu cư trú tại làng Le, xã Mo Ray, huyện Sa Thầy. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống du canh du cư, với nhiều tập quán lạc hậu nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê của chính quyền địa phương, từ năm 1999 đến năm 2003, dân số người Brâu chỉ tăng được chín người. Ốm đau, bệnh tật và đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết thống làm cho dân tộc này kiệt quệ...
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Brâu và Rơ Măm, với tổng kinh phí 36 tỷ 126 triệu đồng. Xác định đây là chính sách lớn của Ðảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển dân tộc thiểu số nên các cấp chính quyền, các ban, ngành và nhân dân vùng dự án cùng phối hợp triển khai đúng tiến độ, và khối lượng công việc.
Dự án trợ giúp dân tộc Rơ Măm tại làng Le sau bốn năm triển khai, đến nay đã có các hạng mục công trình, gồm: đường giao thông nội vùng, đường vào khu sản xuất, cấp nước sinh hoạt, thiết bị nghe nhìn, trường học được đầu tư xây dựng. Với phương châm 'Cầm tay chỉ việc', từ khi dự án được triển khai, hầu hết bà con trong làng đều được tập huấn kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm. Ðược hướng dẫn cụ thể, bà con làng Le đã có tiến bộ rõ nét trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ chỗ một gia đình chỉ có vài sào lúa rẫy, đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp gieo trồng của làng Le đã lên đến 132,4 ha, tăng gần 41 ha so với năm 2004; trong đó, ruộng lúa nước tăng từ 14,4 ha lên 20,4 ha. Bằng nguồn vốn lồng ghép từ nhiều chương trình, việc phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh. Trưởng thôn làng Le, A Ðen cho biết, bà con trong làng đã trồng được 30 ha cây cao-su, 20 ha bời lời, 1,5 ha cây xoan và một số diện tích cây ăn quả được trồng xen trong vườn nhà. Nhiều hộ gia đình như ông A Giá đã trồng được tám ha cao-su, ông Rơ chăm Len trồng được bốn ha, A Huất ba ha. Cùng với trồng trọt, bà con còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 200 con. Thu nhập bình quân của dân làng Le tăng lên từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng/năm. Dân số làng Le đã tăng được 73 người so với năm 2004. Ðặc biệt, người làng Le không còn bó hẹp hôn nhân trong làng nữa mà đã có 37 người các dân tộc khác kết hôn với người Rơ Măm và tình nguyện ở lại làng Le sinh sống. Nhờ đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, nên trẻ em trong làng đến tuổi đều được đến trường đi học. Làng Le đã có tám học sinh được cử đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học...
Trưởng thôn A Ðen bày tỏ niềm vui: Ðược sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, đời sống của bà con ngày càng đi lên, từng bước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu... Bà con biết ơn Ðảng, Nhà nước rất nhiều.
Ðược triển khai sau dự án dân tộc Rơ Măm gần hai năm, dự án Brâu ở làng Ðăk Mế cũng thành công không kém. Người phụ nữ đầu tiên mà chúng tôi gặp khi đến làng là chị Y Pan, chị khoe: Người Brâu chúng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi vì trong những năm qua được Ðảng và Nhà nước quan tâm đầu tư về mọi mặt, từ phân bón, cây, con giống đến xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất; trợ giúp xây nhà ở, nhà rông văn hóa, nhà truyền thống sinh hoạt cộng đồng; xây trường học cho con em chúng tôi; rồi kéo điện về làng...
Có đến nơi mới cảm nhận được một cuộc sống ổn định và tràn ngập niềm vui của người Brâu hôm nay. Ngoài những chính sách trợ giúp nói chung, chỉ tính riêng dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Brâu đã có chín hạng mục công trình cơ sở hạ tầng khu dân cư và ba hạng mục công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng tại làng Ðăk Mế. Trong đó, các hạng mục: đường giao thông nội vùng khu dân cư, đường dẫn vào khu sản xuất tập trung của làng; hệ thống lớp học, trường học cho mẫu giáo và bậc tiểu học trong làng đều được xây mới khang trang. Ðược đầu tư có hệ thống và đồng bộ, nhất là khu văn hóa của làng, gồm một nhà rông, hai nhà truyền thống, các công trình phụ trợ của khu văn hóa, như cổng chào, tường rào, nhà vệ sinh, giếng nước... Cùng với các chính sách trợ giúp học sinh vùng dự án đến trường, tỷ lệ học sinh người Brâu ở các cấp học gia tăng. Từ chỗ 62% dân số mù chữ (thống kê năm 2005), hiện nay, cả làng có 187 người trình độ cấp tiểu học, 71 người trình độ THCS, bốn người trình độ THPT. Trình độ dân trí tăng lên, ý thức chăm sóc sức khỏe trong nhân dân cũng ngày càng nâng lên; kết hợp với chính sách hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế thôn theo dự án đã góp phần giảm tỷ lệ người chết hằng năm của người Brâu xuống còn 0,3%, tỷ lệ sinh hằng năm được nâng lên 5,7%. Nhờ vậy, đến nay, dân số người Brâu ở làng Ðăk Mế đã tăng lên 111 hộ (420 khẩu).
Nhờ được tập huấn khuyến nông-khuyến lâm, người Brâu ngày nay không chỉ biết trồng trọt mà còn biết thâm canh tăng năng suất; biết trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm... Bà con đã dần mở rộng diện tích đất trồng trọt để nâng cao mức thu nhập. Hiện, diện tích cây hằng năm của cả làng đã tăng lên 159 ha. Từ khi bắt đầu triển khai dự án, thu nhập bình quân đầu người ở làng Ðăk Mế chỉ ở mức 0,78 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cả làng chiếm 65%, đến nay thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 6,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15%.
Dân tộc Brâu có bốn lễ hội chính: đâm trâu cúng mùa gieo trồng (tháng 4), mừng lúa về kho (tháng 10), mừng lúa mới (tháng 11), lễ hội mừng năm mới. Thế nhưng, trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, các lễ hội này chỉ được tổ chức một cách đơn giản ở một số gia đình, dòng họ có điều kiện nên các lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một. Từ khi dự án hỗ trợ phát triển dân tộc Brâu được triển khai, làng Ðăk Mế đã phục dựng được cả bốn lễ hội trên; đồng thời, dự án đã giúp bà con mua được bảy bộ chiêng tha, năm bộ chiêng đồng phục vụ các lễ hội truyền thống. Với đặc thù là dân tộc chỉ có tiếng nói không có chữ viết; trang phục mặc theo trang phục của người Kinh, vì vậy trong làng không có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, dự án đang triển khai mở một lớp dạy thổ cẩm cho bà con trong làng, với sự tham gia của 20 học viên... Cuộc sống của người Brâu giờ đây đã có rất nhiều đổi thay đáng mừng. Và cũng như người Rơ Măm, người Brâu ở làng Ðăk Mế ai cũng một lòng biết ơn Ðảng...
Theo Sỹ Tạo và Tú Quyên (Báo Nhân dân điện tử)