Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
10:00 AM 13/10/2010 | Lượt xem: 3763 In bài viết |Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá: Chương trình giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp hiệu quả, nhất là các cơ chế chính sách liên quan trực tiếp đến đầu tư cơ sở hạ tầng, vay vốn phát triển sản xuất, dạy nghề cho người nghèo, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, văn hóa giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt... tạo tiền đề cơ bản để đại bộ phận hộ nghèo cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo.
Chương trình đã hỗ trợ cho 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/lượt/hộ; triển khai 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; 120 ngàn lao động nghèo đã được đào tạo nghề miễn phí, trong đó khoảng trên 60% lao động sau đào tạo có việc làm; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, thành, với tổng số hộ tham gia mô hình là 27.566 hộ, trong đó 77% là hộ nghèo; đã có khoảng 2.000 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo; 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; khoảng 400 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở và đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố, 306 quận, huyện và 5.931 xã, phường, thị trấn được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao “Bằng ghi công” hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho người nghèo.
Trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn các tỉnh như: Đắk Lắk, Khánh Hoà đã có sáng kiến tổ chức đối thoại với người dân; các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Giang phân công các ban, ngành, doanh nghiệp hỗ trợ, nhận giúp đỡ các xã nghèo. Các tỉnh đều bố trí thêm ngân sách địa phương, huy động nguồn lực tại chỗ, trong dân, từ các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để thực hiện chương trình. Trong hai năm 2008, 2009, thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, chống suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội
Dưới tác động của hàng loạt chính sách giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội dự báo: tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm từ 22% năm 2005 xuống ước còn 9,45% năm 2010, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Chương trình và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Dự ước tỷ lệ hộ nghèo của các vùng đến cuối năm nay như sau: Đông Bắc là 14,39%; Tây Bắc là 27,3%; Đồng bằng Sông Hồng là 5,43%; Bắc Trung Bộ là 16,04%; Duyên hải miền Trung là 10,47%; Tây Nguyên là 11,5%; Đông Nam Bộ là 2,59%; Đồng bằng sông Cửu Long là 7,32%. Cả nước có 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, trong đó có 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% và không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, đó là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
Một số kinh nghiệm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội và UNDP tổng kết trong quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo quốc gia để hướng tới Chương trình giảm nghèo mang tính toàn diện và bền vững hơn, đó là cần xây dựng được một Chương trình giảm nghèo đáp ứng được các nhu cầu của người nghèo tại Việt Nam, trao quyền tự chủ và phân cấp về việc giải ngân để các tỉnh chủ động xác định và thực hiện những hoạt động giảm nghèo phù hợp với tình hình của tỉnh cũng như phù hợp với người nghèo trên địa bàn tỉnh. Đối với hệ thống các dự án giảm nghèo hiện tại cần tạo ra hiệu quả bằng cách chuyển việc thiết kế và thực hiện các dự án theo hệ thống ngành hoặc cơ quan. Điều này có nghĩa là các cơ quan của Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện các chính sách, dự án gắn với chức năng, nhiệm vụ chính của các bộ, ngành. Các bộ chỉ đóng vai trò hướng dẫn các chính sách, dự án, còn việc thực hiện theo mục tiêu cũng như theo hướng tác động thì giao cho các địa phương tự chủ động. Các tỉnh sẽ nhận được gói tài trợ và sẽ thiết kế chương trình để thực hiện các chỉ tiêu đã được xác định và thống nhất, kể cả chỉ tiêu tác động. Một vấn đề khác là cần hướng tới một hệ thống trợ giúp bằng tiền mặt để người nghèo tự xác định nhu cầu của mình và sử dụng tiền mặt đó cho các nhu cầu của họ một cách hữu ích nhất./.
Phương Liên (CTV) (Nguồn: cpv.org.vn)