Hà Giang: Nâng cao chất lượng dạy nghề và xuất khẩu lao động

10:33 AM 05/04/2013 |   Lượt xem: 1873 |   In bài viết | 

Đội ngũ giáo viên không ngừng được bổ sung, ngành nghề đào tạo được mở rộng. Nhận thức về học nghề của người dân được nâng lên. Những học viên tốt nghiệp các lớp học nghề nông nghiệp đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Đối với các học viên học các nghề phi nông nghiệp như: điện dân dụng, kỹ thuật gò hàn, sửa chữa xe máy… sau khi học nghề đã có việc làm mới, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các lớp dạy nghề đã góp phần khôi phục lại các cơ sở sản xuất truyền thống, mở rộng sản xuất kinh doanh. Cũng trong 3 năm từ 2010 – 2012, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề cho 52.470 người, trong đó, cao đẳng nghề và trung cấp nghề 3.483 người; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng được 48.987 người. Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 145.268 triệu đồng; từ các chương trình xã hội hóa được 14.856 triệu đồng. 

Riêng đói với công tác xuất khẩu lao động, trong thời gian 2 năm từ 2011 – 2012 đã tuyển dụng được 213 lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi lao động làm việc ở Malasia gửi về gia đình 3,5 triệu đồng/tháng; lao động ở Đài Loan gửi về gia đình 7,5 triệu đồng/tháng; lao động tại Hàn Quốc gửi về khoảng 18 triệu đồng/tháng; lao động tại Nhật Bản gửi về trung bình 30 triệu đồng/tháng… Chính nguồn thu nhập từ xuất khẩu lao động gửi về đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở Hà Giang thoát nghèo, nhất là đối với các gia đình dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao. 

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang khẳng định: Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề và xuất khẩu lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang đã đề ra kế hoạch dạy nghề và xuất khẩu lao động giai đoạn 2013 – 2015 với những giải pháp cụ thể như: Tăng cường thông tin sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của công tác dạy nghề đối với mục tiêu phát triển kinh tế  - xã hội, xóa đói giảm nghèo; huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao các trang thiết bị giảng dạy; bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo trong giai đoạn mới; tiếp tục điều tra, rà soát lại các ngành nghề đang đào tạo, nhu cầu theo học nghề của người lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp nhằm ký kết hợp đồng giữa 3 bên trước khi mở các lớp dạy nghề; đăng ký số lượng và lựa chọn ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của mỗi địa phương. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phấn đấu từ 2013 - 2015 mỗi năm tỉnh sẽ xuất khẩu khoảng 300 lao động ra nước ngoài làm việc; tiếp tục nâng cao trình độ, chất lượng nguồn lao động khi các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao; thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi đi xuất khẩu.

Phạm Văn Phú