Quản Bạ với giải pháp quản lý, bảo vệ rừng
04:16 AM 31/05/2012 | Lượt xem: 3173 In bài viết |Trước tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Quản Bạ thời gian qua diễn ra hết sức phức tạp, có phần tử tham gia là cán bộ trong cơ quan quản lý, bảo vệ rừng, huyện Quản Bạ đã có những giải pháp cụ thể nhằm chấn chỉnh lại công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Quản Bạ được đánh giá là một trong số huyện có diện tích rừng và đất rừng lớn so với 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh với tổng diện tích rừng là 29.477 ha, trong đó có tới 22.548 ha là rừng phòng hộ, cùng rất nhiều loại gỗ quý hiếm như nghiến, thông đá, kháo đá, pơ mu. Các xã có diện tích rừng lớn của huyện là Tùng Vài 4.136 ha, Quyết Tiến 2.648 ha, Tả Ván 2.168 ha, Thái An 1.784 ha... Do địa bàn rộng, việc đi lại khó khăn, đặc biệt là các xã có rừng lớn lại nằm ở vùng biên giới, xã xa nhất cách trung tâm huyện lỵ khoảng 40 km, trong khi đó lực lượng kiểm lâm lại quá mỏng so với chức năng, nhiệm vụ được giao, bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm phải phụ trách từ 2 - 3 xã với từ 5.000 - 6.000 ha rừng trở lên, điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chặt phá rừng trên địa bàn huyện thời gian qua.
Để khắc phục những yếu kém, hạn chế trên, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quản Bạ Nguyễn Bá Ngọc cho biết: Do địa bàn rộng phức tạp, đặc biệt là các xã có rừng lớn lại nằm ở khu vực biên giới nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Hạt Kiểm lâm huyện giao cho từng cán bộ phụ trách địa bàn quản lý với nhiệm vụ phải thường xuyên bám, nắm tình hình tại địa bàn để cùng chính quyền và cán bộ lâm nghiệp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng thuộc khu vực mình phụ trách; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng, đồng thời làm tốt công tác vận động, tuyên truyền tới người dân hiểu được lợi ích từ rừng mang lại trong việc giữ đất, giữ nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt... Để tiện cho việc theo dõi, quản lý, bảo vệ rừng, Hạt đã lên kế hoạch mỗi tháng một lần, cán bộ kiểm lâm phụ trách xã giao ban với Hạt một lần để báo cáo tình hình hoạt động và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ triển khai thực hiện những nhiệm vụ cụ thể trong quản lý, bảo vệ rừng những tháng tiếp theo. Ngoài ra, Hạt cũng đã tham mưu cho huyện ra chỉ thị tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng trong quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng cho người dân các xã; tổ chức ký cam kết không khai thác, tàng trữ lâm sản trái phép, không để xẩy ra đốt nương, làm cháy rừng đối với các hộ gia đình tại 9 xã có diện tích rừng lớn. Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, huyện Quản Bạ cũng đã chỉ đạo việc xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ rừng theo phương châm 4 tại chỗ đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; đồng thời kiện toàn, củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, trong đó nòng cốt là các dân quân tự vệ, công an viên, cán bộ lâm nghiệp xã, thôn bản. Các tổ, đội này có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình đối với các khu vực trọng điểm, các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và các điểm buôn bán, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ phá rừng xẩy ra; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm lâm luật, tiếp tay cho lâm tặc thực hiện hành vi phá rừng dưới mọi hình thức. Và một trong số những giải pháp quan trọng được huyện Quản Bạ đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ trong thời gian tới là thường xuyên quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ, nhất là đối với các ngành, lực lượng có liên quan như Công an, biên phòng, kiểm lâm, Quản lý thị trường trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng; tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của đội ngũ cán bộ thôn bản thuộc các điểm nóng về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, đặc biệt ở các xã Tả Ván, Tùng Vài, Quyết Tiến; đưa những dự án, phương án sản xuất theo đặc thù của từng thôn, từng vùng nhằm nâng cao đời sống của người dân sống xen kẽ tại các khu rừng quý hiếm hiện nay.
Có thể nói, với những giải pháp, biện pháp triển khai đồng bộ, cụ thể từ huyện xuống thôn bản, hy vọng tình trạng chặt phá rừng, vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Quản Bạ trong thời gian tới sẽ được ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn.
Theo Báo điện tử Hà Giang [TT: N.K.T]