Ký ức về Bác trong tim nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm

03:02 PM 19/05/2022 |   Lượt xem: 1905 |   In bài viết | 

Bà Linh Nga (người đeo kính ở giữa) tham gia lễ hội của đồng bào DTTS ở Phú Yên

Nhớ những lần gặp Bác

Tháng 5 nhớ Bác, chúng tôi tìm đến nhà nhạc sĩ  Linh Nga Niê K’Đăm (SN 1948) ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, để nghe bà kể những câu chuyện bình dị, ấm lòng về người lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Nữ nhạc sĩ trải lòng: Nếu ai đó hỏi tôi gặp Bác bao nhiêu lần, tôi thật sự không nhớ nổi, chỉ biết rằng những ấn tượng về Bác mãi trong trái tim tôi.

Là người con của núi rừng Tây Nguyên, nhưng nhạc sĩ Linh Nga được sinh ra và lớn lên trên đất Bắc bởi người cha của bà, là bác sĩ Y Ngông Niê K’đăm, Đại biểu Quốc hội những khóa đầu tiên đã có nhiều cơ hội sống và được làm việc gần Bác Hồ.

Bà Linh Nga kể: Năm 1951, An toàn khu ở Tuyên Quang là nơi ở và làm việc của cơ quan Trung ương. Ở đó, có một nhà trẻ tên Tân Tiến, được xây dựng dưới chân đồi, để nuôi dạy con cán bộ. Lúc bấy giờ, cả ba và mẹ đều đi kháng chiến, nên mới 3 tuổi tôi đã đi nhà trẻ.

“Tôi còn nhớ, hồi đó có ông cụ trạc tuổi ông ngoại tôi, thỉnh thoảng xuống nhà trẻ chơi với các cháu mỗi buổi xế chiều. Trẻ tập hát, tập múa, cụ cũng cầm tay các cháu đi vòng quanh. Đôi lúc, trẻ chạy lên đồi được cụ cho kẹo. Lúc đó bé quá, tôi không biết cụ là ai, chỉ biết rằng cô giáo bảo đó là Bác Hồ. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, tôi thấy Bác như ông tiên, ông bụt có tình yêu thương bao la đối với trẻ nhỏ.

 

Bà Linh Nga (người đầu tiên bên phải) cùng với con của các lão thành cách mạng người dân tộc Ê Đê tại một cuộc gặp mặt

Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, bà Linh Nga theo ba trở về Hà Nội và được gặp Bác thêm nhiều lần nữa. “Tôi nhớ nhất lần Bác đến dự buổi họp mặt Thường vụ Quốc hội vào đêm giao thừa, Bác gặp từng gia đình cán bộ rồi ân cần thăm hỏi, bắt tay. Tôi chỉ là đứa trẻ 5 tuổi mà Bác cũng bắt tay, cân cần thăm hỏi làm tôi bất ngờ. Chỉ một cái bắt tay diễn ra trong tích tắc, nhưng tôi cảm nhận được đôi tay của Bác, ngón dài, tay khô mà vô cùng ấm áp”.

Đến cấp 2, bà Linh Nga chuyển sang Trường Cán bộ dân tộc miền Nam (tại Gia Lâm, Hà Nội) để học. Lúc bấy giờ ba của bà - ông Y Ngông Niê K’Đăm làm hiệu trưởng, Bác Hồ cũng nhiều lần đến thăm trường, trò chuyện với học sinh.

“Lúc này tôi đã lớn hơn, ấn tượng về Bác cũng rõ hơn. Tôi còn nhớ, một lần Tết, Bác được tặng thịt nai. Bác cho người mang xuống cho ba tôi chia cho cán bộ. Ba tôi đã nấu 3 chảo cháo nai lớn để tất cả giáo viên, học sinh cả trường đều được hưởng quà của Bác Hồ. Có một lần nữa cũng vào dịp Tết, Bác cho phép mỗi dân tộc được ăn Tết theo phong tục của mình, cho đỡ nhớ nhà trong thời gian tập kết ra Bắc. Cả trường ai cũng vui và xúc động. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe âm thanh cồng chiêng, điệu múa xoang của đồng bào Tây Nguyên”, bài Linh Nga kể.

Bà Linh Nga phát biểu tại một Hội thảo khoa học về giải pháp bảo tồn văn hóa Tây Nguyên

Kính yêu vị lãnh tụ đặc biệt

Năm 1960, khi Trường Cán bộ dân tộc miền Nam được chuyển về Mễ Trì (Hà Nội), Bác Hồ vẫn thường đến thăm trường, có những lần Bác đến bất ngờ. 

Nhớ mỗi lần Bác đến thăm trường vào ngày thường, không lễ, Tết, bà Linh Nga rưng rưng nói: trong khi tất cả học sinh đã tập trung lên hội trường, ổn định chỗ ngồi thì Bác đi một vòng thăm khu ký túc xá. Tôi được đi theo ba tháp tùng Bác, Bác quan tâm đến thiếu nhi từ những việc nhỏ nhất. Bác dở từng chiếc chiếu lên xem và căn dặn các cô giặt chiếu thường xuyên cho các cháu. Bác xuống nhà bếp kiểm tra lò bánh mì, lật cái thớt lên coi đã sạch chưa, đồ ăn có lồng bàn đậy không, rồi bảo các cô không được để các cháu ăn bánh mì mốc, đồ không đảm bảo vệ sinh. Đi kiểm tra hết một vòng, Bác đi lên hội trường và nhẹ nhàng hỏi: “Các cháu ăn có no không? Các cháu có chơi thể thao không, có học giỏi không?”. Rồi Bác ân cần dặn học sinh ăn cho no, tập thể thao cho khỏe, học cho giỏi để sau này là cán bộ tốt về miền Nam phục vụ.

Bà Linh Nga và nhà thơ Hữu Chỉnh, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân trong cuộc tọa đàm “Di sản Hồ Chí Minh, Thư gửi thanh niên” trong Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, tại TP. Buôn Ma Thuột

Lớn lên, làm diễn viên ở đoàn ca múa Tây Nguyên, sự quan tâm tỉ mỉ của Bác dành cho nghệ sĩ, hình ảnh vị lãnh tụ đặc biệt càng in sâu vào tâm khảm của bà.

Bà Linh Nga Niê K’Đăm là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V, VI; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam K.II- K.VII; Hội Văn nghệ các DTTS K.I - K.III; Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk...

Sau nhiều năm gắn bó với Thủ đô, năm 1979 bà Linh Nga Niê K’Đăm trở về Tây Nguyên công tác và trở thành gương mặt điển hình, để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực. Với những truyện ngắn đậm chất sử thi, bà là cây bút nổi bật của văn học Tây Nguyên thời kỳ hiện đại. Sắc màu văn hóa Ê Đê cứ như vậy đi vào các tác phẩm văn chương của bà.

Bà Linh Nga cũng là tác giả của nhiều ca khúc đậm chất đại ngàn như: Niềm tin trong tôi, Tình ca cao nguyên, Trăng chiều Ban Mê, Mưa cao nguyên… trong đó, ca khúc “Bác Hồ là sao Bắc đẩu” là bài hát về Bác được đông đảo khán giả cả nước đón nhận.

Bà cũng là cô giáo dạy nhạc, đã dìu dắt những bước đi đầu đời của các Nghệ sĩ Y Moan ENuôl, Siu Black , Y Ga Ria, Hồ Quang Hiếu… Ngoài ra, bà Linh Nga còn thực hiện nhiều công trình khoa học về Nghệ thuật diễn xướng, nghề thủ công, trường ca và sử thi…

Đến nay, dù tuổi cao, nhà nghiên cứu văn hóa, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm vẫn tham gia tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ đời sống, và bảo tồn văn hóa dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên rộng lớn.

(baodantoc.vn)