Thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên
10:44 AM 20/04/2018 | Lượt xem: 7171 In bài viết |Với những thế mạnh vốn có về điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu... Tây Nguyên đang là một trong những vùng sản xuất cây công nghiệp lớn của cả nước. Bộ mặt của Tây Nguyên đang ngày càng đổi mới, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên cũng đang dần được nâng lên. Tuy nhiên, song song với những chuyển biến tích cực, Tây Nguyên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó nổi lên trong những năm gần đây là hiện tượng tự tử trong đồng bào DTTS tác động không nhỏ đến sự ổn định xã hội và tình hình an ninh, chính trị của khu vực.
Theo kết quả thực hiện Dự án điều tra cơ bản năm 2017 của Ủy ban Dân tộc, đề tài “Điều tra thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên”, theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 5 năm (từ 2012-2016), trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum) đã có hơn 2.259 trường hợp tự tử. Trong đó, tỉnh Gia Lai nhiều nhất với gần 1.500 trường hợp, tiếp theo là tỉnh Đắk Lắk với gần 700 trường hợp và tỉnh Kon Tum với gần 200 trường hợp. Thống kê qua từng năm cho thấy, hiện tượng tự tử có xu hướng gia tăng qua các năm ở tất cả các tỉnh và các địa bàn khảo sát. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng này còn có dấu hiệu lan sang các cộng đồng, dân tộc khác trong khu vực.
Theo chính quyền sở tại và những chia sẻ của cán bộ, người dân tại địa bàn nghiên cứu, hiện tượng tự tử chỉ phổ biến và ngày càng trầm trọng trong khoảng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là trong 5 năm gần đây.
Hiện tượng tự tử diễn ra tập trung ở một số DTTS tại chỗ, nhiều nhất ở cộng đồng dân tộc Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Xê-đăng... ít thấy ở dân tộc Kinh và các dân tộc di cư từ nơi khác đến. Trong đó, dân tộc Ba-na tại tỉnh Gia Lai có số lượng người tự tử cao nhất (757 trường hợp), tiếp đến là dân tộc Gia-rai tại tỉnh Gia Lai (666 trường hợp) và dân tộc Ê-đê tại tỉnh Đắk Lắk (302 trường hợp). Cùng một dân tộc nhưng ở các buôn/làng theo tín ngưỡng tôn giáo khác nhau cũng có mức độ tự tử khác nhau. Các buôn/làng theo tín ngưỡng truyền thống có tỷ lệ tự tử cao hơn so với các buôn/làng theo tôn giáo mới là Công Giáo và Tin Lành.
Hiện tượng tự tử ít xảy ra ở những khu vực trung tâm, chủ yếu diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển. Điều này được lý giải liên quan đến trình độ nhận thức, dân trí của người dân và mức độ phát triển của KT-XH của từng địa phương. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết của người dân được xem là một trong những yếu tố tác động đến vấn đề tự tử, trình độ học vấn, dân trí càng cao càng ít thấy tự tử và ngược lại.
Giống với hiện tượng tự tử trong đồng bào DTTS ở một số khu vực khác như Tây Bắc và Tây duyên hải miền Trung, nguyên nhân trực tiếp của các trường hợp tự tử Tây Nguyên rất đa dạng nhưng được chính quyền địa phương xác định chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn gia đình với những lý do hết sức đơn giản và nhỏ nhặt. Nếu xét ở góc độ nguyên nhân sâu xa, hiện tượng tự tử bắt nguồn từ những đặc điểm tâm lý văn hóa tộc người và các yếu tố tác động từ điều kiện KT-XH của vùng như: (1) Thiếu hiểu biết, không có kỹ năng thích nghi và tự bảo vệ bản thân, lối sống thụ động, trông chờ ỷ lại, không có động lực phấn đấu của một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS tại chỗ Tây Nguyên, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa. (2) Tình trạng kinh tế nghèo nàn, thiếu thốn đi liền với những áp lực cuộc sống không được giải tỏa và sự biến đổi nhanh của xã hội kéo theo cú sốc tâm lý, văn hóa mà người DTTS Tây Nguyên khó thích nghi, biến đổi phù hợp với xu thế phát triển, từ đó dễ dẫn đến những hành động tiêu cực bột phát. (3) Phong tục tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của hầu hết các DTTS Tây Nguyên. Một số phong tục vô tình góp phần gia tăng tính trầm trọng của vấn nạn tự tử tại đây.
Các yếu tố tác động đến tự tử, ngoài những yếu tố thuộc về văn hóa và tâm lý tộc người, còn bị ảnh hưởng và tác động bởi các yếu tố khác như sự du nhập của đa dạng văn hóa, KT-XH, tệ nạn uống rượu… Ngoài ra, các cơ quan chức năng ở địa phương chưa thật sự phát huy tốt vai trò của mình: Chẳng hạn như vai trò của quản lý thị trường khi để rượu giả, rượu kém chất lượng bán tràn lan; sự phối hợp chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả trong tuyên truyền, vận động người dân ở những địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng, trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đã có những nỗ lực nhất định nhằm giảm thiểu tình hình tự tử và một số nơi đã đạt được các kết quả nhất định.
Có thể nói các đặc điểm và yếu tố tác động đến thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên phù hợp với lý thuyết của E.Durkheim đã đưa ra cách đây hơn 1 thế kỷ “tự tử là hiện tượng cá nhân, nhưng tỷ lệ tự tử, nạn tự tử là hiện tượng xã hội và có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với mức độ đoàn kết, gắn kết, hội nhập xã hội”. Có lẽ bản chất của động cơ thúc đẩy con người đi đến quyết định và hành động tự tử nằm ở các áp lực vượt quá ngưỡng mà cá nhân đó có thể chịu đựng được trong hoàn cảnh rơi vào trạng thái mất niềm tin, chơi vơi, cô độc, không ai có thể cứu giúp. Tự tử trong đồng bào các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên cũng không nằm ngoài khung lý thuyết đó.
Tình trạng tự tử xảy ra nhiều, ngày càng nghiêm trọng sẽ gây nên những tác động tiêu cực cho phát triển KT-XH địa phương, không những thế còn ảnh hưởng tới tình hình an ninh - chính trị trên địa bàn. Để tránh những hệ lụy đáng tiếc, giảm thiểu, ngăn ngừa, phòng chống tự tử trong đồng bào DTTS Tây Nguyên cần được xem xét là một trong những ưu tiên giải quyết. Là một vấn đề nhạy cảm liên quan đến đặc điểm tâm lý tộc người, cần thiết phải vận dụng các biện pháp mềm mỏng, linh hoạt. Các giải pháp nên được tiến hành đồng bộ, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương mà áp dụng các giải pháp khuyến nghị phù hợp. Đây là một việc làm đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và am hiểu văn hóa, con người ở từng địa bàn cụ thể bởi liên quan rất nhiều đến yếu tố nhận thức, văn hóa và tâm linh của đồng bào DTTS tại chỗ Tây Nguyên.
Nếu như tuyên truyền là giải pháp thường xuyên phải duy trì với các hình thức dễ tiếp thu, không ngừng đổi mới, phù hợp với đồng bào DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên, thì giáo dục kỹ năng sống được xem là giải pháp mang tính lâu dài; song song với hàng loạt các biện pháp bổ trợ quan trọng khác trực tiếp ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng tự tử như: Kiểm soát chất lượng rượu, tình trạng uống rượu của bà con hoặc đẩy nhanh việc cấm bán các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tử vong cao... sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng tự tử tại Tây Nguyên.
Để làm được tất cả những điều này, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng và có tính chất quyết định đến sự thành công không chỉ riêng đối với tình trạng tự tử mà còn đối với các tệ nạn xã hội khác trên địa bàn. Với sự quan tâm, quyết liệt hành động của các tỉnh Tây Nguyên, chắc chắn tình trạng tự tự sẽ giảm và tiến tới mất dần, góp phần quan trọng vào ổn định tình hình an ninh - trật tự xã hội và sự phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên.
PV