Phân định miền núi vùng cao và phân định theo trình độ phát triển
02:44 PM 05/10/2022 | Lượt xem: 5773 In bài viết |Hiện nay ở nước ta đang tồn tại 2 bộ tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi: Phân định miền núi, vùng cao và phân định theo trình độ phát triển. Việc áp dụng các bộ tiêu chí này đã gây ra nhiều hệ lụy chồng chéo, lộn xộn, rất bất cập trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách ở vùng dân tộc, miền núi.
Qua sử dụng các bộ tiêu chí phân định, từ năm 1993 đến nay đã có 9 quyết định công nhận tỉnh, huyện, xã là miền núi vùng cao. Nhất là Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23 tháng 5 năm 1997 của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi (nay là Uỷ ban Dân tộc), có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi, 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi, 2.529 xã vùng cao, 2.311 xã miền núi.
Mặc dù các quyết định phân định miền núi vùng cao chỉ là quyết định cấp Bộ, nhưng suốt mấy chục năm nay, nó trở thành bộ tiêu chí Quốc gia, làm căn cứ để phân bổ ngân sách, bố trí bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương và các chính sách cơ bản liên quan đến vùng dân tộc, miền núi.
Tuy nhiên, Bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao qua gần 30 năm, nhưng các cơ quan quản lý, chủ trì chưa có hoạt động tổng kết, đánh giá; cơ sở pháp lý của văn bản quy định tiêu chí miền núi, vùng cao chưa bảo đảm. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Chính phủ đã ban hành thêm một số hình thức phân loại: Phân định địa bàn khu vực biên giới trên đất liền và trên biển; phân loại xã bãi ngang ven biển và hải đảo; phân loại đơn vị hành chính cấp xã vùng khó khăn; phân loại đơn vị hành chính cấp xã/phường/thị trấn. Mỗi phân định, phân loại có các tiêu chí khác nhau, mục đích, phạm vi, đối tượng để ban hành chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau.
Xét dưới góc độ chính sách dân tộc, việc phân định miền núi, vùng cao chỉ mới chú trọng đến độ cao tự nhiên, sự cách trở giao thông, chưa chú trọng đến các yếu tố tộc người, không phản ánh được điều kiện khó khăn của một số dân tộc ở đồng bằng, ven biển.
Chính vì vậy, bên cạnh việc phân định miền núi, vùng cao, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Chính phủ ban hành phân định vùng DTTS, miền núi theo trình độ phát triển, phản ánh được mức độ khó khăn của các dân tộc, tập trung nguồn lực vào các vùng khó khăn nhất.
Tuy nhiên, việc phân định theo trình độ phát triển lại không phản ánh được điều kiện khó khăn về tự nhiên, dẫn đến hậu quả là mức đầu tư giống nhau cho xã 135 ở tỉnh vùng cao cũng ngang bằng như tỉnh vùng thấp.
Như vậy, phân định miền núi vùng cao là sự phân định cho mục tiêu dài hạn, bởi các điều kiện khó khăn về tự nhiên là bất biến; còn phân định theo trình độ phát triển là sự phân định trong ngắn hạn, chỉ nhằm thực hiện chính sách dân tộc của một nhiệm kỳ, thậm chí có thể thay đổi trong một vài năm.
Nhưng trong thực tế, có lúc chúng ta đã mắc sai lầm sử dụng tiêu chí ngắn hạn để áp dụng cho các mục tiêu dài hạn. Xin nêu một dẫn chứng: Ngày 4/6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách 3.434 xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: 1.673 xã khu vực I, 210 xã khu vực II và 1.551; Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 Phê duyệt danh sách 2.027 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là quyết định để phân định mức độ khó khăn của các DTTS để tập trung nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc trong ngắn hạn, nhưng khi triển khai thực hiện, chúng ta lại áp dụng cho cả các mục tiêu dài hạn. Từ đó dẫn đến hàng triệu cán bộ xã, lực lượng giáo viên, y tế, lực lượng vũ trang đang công tác ở các xã vùng cao không còn được hưởng chính sách vùng đặc biệt khó khăn, tạo ra sự đứt gãy trong thực hiện chính sách, gây bất ổn tâm lý trong nhân dân.
Giáo viên công tác tại các xã vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ, chính sách đặc thù của Chình phủ
Từ thực tế đó đặt ra phải sớm tổng kết để xây dựng hai bộ tiêu chí phân định :
1- Bộ tiêu chí Quốc gia, phân định tổng thể mức độ khó khăn của các địa phương để làm căn cứ hoạch định chiến lược chung cho cả nước.
2 - Bộ tiêu chí phân định theo trình độ phát triển của các DTTS, nhằm thực hiện chính sách dân tộc. Bộ tiêu chí này phải tập trung chính sách vào đối tượng là người DTTS đang có nhiều khó khăn nhất.
(baodantoc.vn)