Khoa học - công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc
03:41 PM 23/07/2020 | Lượt xem: 8206 In bài viết |Tây Bắc là địa bàn rộng, nhiều tiềm năng nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do là vùng núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" do Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) chủ trì với 58 đề tài nghiên cứu đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn tạo động lực phát triển bền vững của vùng Tây Bắc.
Theo PGS, TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ÐHQGHN, chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (Chương trình Tây Bắc) được triển khai từ năm 2013 ở 12 tỉnh trung du, miền núi phía bắc và 21 huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An. Với điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế… đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết bởi nghiên cứu khoa học liên ngành không đơn thuần là các vấn đề của từng lĩnh vực riêng rẽ. Toàn bộ 58 đề tài, nhiệm vụ triển khai trong chương trình đã được tiến hành dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao, các phương pháp, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ. Các nhiệm vụ đã triển khai, nghiên cứu trong Chương trình Tây Bắc vừa có tính vĩ mô gắn với bài toán chung của toàn vùng, liên vùng và tiểu vùng, vừa tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của một số địa phương. Trong đó nhiều sản phẩm đã được đăng ký Sở hữu trí tuệ và chuyển giao cho địa phương. Ðể triển khai hiệu quả, chương trình huy động sự tham gia của 40 đơn vị đăng ký tham gia đến từ các tổ chức nghiên cứu khoa học, trường đại học trong cả nước, doanh nghiệp và gần 200 đơn vị phối hợp nghiên cứu. Trong đó, 50% số tổ chức chủ trì là các viện nghiên cứu, 46% là các trường đại học lớn và 4% là doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình có các sở, ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc tham gia phối hợp.
Vì vậy, kết quả nghiên cứu của chương trình đã bám sát mục tiêu và được chuyển giao cho các bộ, ngành, địa phương thông qua bốn nhóm kết quả: Cung cấp luận cứ khoa học; ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực; phát triển văn hóa xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Các hoạt động chuyển giao nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc đã góp phần giúp địa phương dần thay đổi nhận thức, coi ứng dụng khoa học và công nghệ là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao kinh tế, sinh kế của người dân. Kết quả chương trình được thể hiện rõ với số bài báo đã công bố trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus là 32 bài, không thuộc hệ thống ISI/Scopus là 23 bài; công bố trên các tạp chí uy tín trong nước là 275 bài; sách, chương sách, giáo trình đào tạo là 25. Chương trình cũng có hai bằng độc quyền sáng chế được công nhận; ba sáng chế đã được chấp nhận đơn hợp lệ; bảy giải pháp hữu ích; một giống cây trồng mới và hai quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Ðến nay, các nhiệm vụ nghiên cứu có các kết quả, sản phẩm chuyển giao cho các bộ, ngành, địa phương.
Ðiểm đáng chú ý trong kết quả nghiên cứu Chương trình Tây Bắc là những sản phẩm được ứng dụng cụ thể trong thực tiễn. Ðiển hình như đề tài nghiên cứu: Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý hạt ngô giống bằng một số nano kim loại để tăng năng suất thu hoạch cây ngô tại một số địa phương vùng Tây Bắc. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư từ cây ban chi liên, bạch hoa xà thiệt thảo và nấm linh chi tại Lào Cai và vùng Tây Bắc. Triển khai một chuỗi các nghiên cứu, đánh giá kết nối theo chuỗi giá trị, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng, từ nghiên cứu trồng trọt, thu hái chế biến cây thuốc theo hướng GACP-WHO đến bào chế sản phẩm viên nang cứng Anti-U200 hỗ trợ điều trị ung thư. Kết quả thực nghiệm dược lý cho thấy, đây là một sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư rất tốt hiện nay. Ðiều này mang tính thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển bền vững kinh tế vùng Tây Bắc.
Ðáng chú ý, đề tài nghiên cứu, đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc do GS, TS Nguyễn Hùng Việt (Trường đại học Khoa học tự nhiên, ÐHQGHN) chủ trì đã chuyển giao được danh mục 50 đến 60 bài thuốc dân gian của các dân tộc Mường, H’Mông, Thái, Tày, Dao đỏ (vùng Tây Bắc) có tác dụng điều trị bệnh gan mật. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu đã chuyển giao được bốn bộ dữ liệu về thành phần hóa học và cấu trúc của một số chất có hoạt tính trong một số vị thuốc chính; bốn quy trình sản xuất, bào chế cao khô định chuẩn và chế phẩm viên từ hai bài thuốc dân gian của các dân tộc vùng cao...
Đánh giá về Chương trình Tây Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ðỗ Ðức Duy cho rằng, đây là chương trình khoa học - công nghệ có tính liên vùng, đa lĩnh vực, có tính thực tiễn cao. Còn Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Chương trình Tây Bắc đã giúp kết nối các nhà khoa học trong nước và ngoài nước ở cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội, kết nối các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà quản lý các địa phương, đồng thời thu hút, huy động được các nguồn lực cho sự phát triển vùng Tây Bắc. Ðiểm nổi bật của chương trình còn tập hợp được các chuyên gia, nhà khoa học, giúp góp ý báo cáo chính trị của các địa phương được các địa phương đánh giá cao. Trong thời gian qua, chương trình đã phối hợp hiệu quả với Ban Kinh tế T.Ư trong việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
(nhandan.com.vn)