Đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào thiểu số
12:00 AM 31/08/2017 | Lượt xem: 6812 In bài viết |Vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại như một tập quán cố hữu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, không những vi phạm pháp luật, mà còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Tại thị xã Ayun Pa, những năm qua, dù chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng đến nay thực trạng này vẫn tồn tại gây ra nhiều hệ lụy.
Theo chân các chị làm công tác phụ nữ đến từng nhà để vận động, giải thích cho các chị em về tác hại của vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi mới phần nào hiểu thêm nhiều câu chuyện buồn liên quan đến vấn nạn này. Chị Nay H’Lim (SN 1978, trú tại Bôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) là một trong những trường hợp kết hôn cận huyết thống. Năm 18 tuổi, chị được cha mẹ cưới chồng là một chàng trai không cùng họ, sống tại tỉnh Đắk Lắk, mới chỉ gặp nhau vài lần, còn chưa kịp tìm hiểu hay quý mến nhau, chỉ cần cha mẹ ưng ý, thích hợp làm rể thì cưới về. Điều đáng nói ở chỗ dù biết chồng là con cô ruột (cháu ruột cha mình-tức là anh em con cô con cậu), chị vẫn đồng ý cưới vì lý do là người không cùng họ nên không sao. Đây là một trong những suy nghĩ lạc hậu vẫn tồn tại dai dẳng đến ngày nay của đồng bào Jrai ở thị xã Ayun Pa.
Chị Nay H’Lim, trú tại Bôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa tâm sự: “Hồi xưa bố mẹ gả cho thì tôi cũng đồng ý, hồi trước tại vì phong tục ở đây là theo chế độ mẫu hệ, lấy con bác là được, không có ai nói, Nhà nước vẫn kêu gọi, nhưng mà chúng tôi vẫn chưa hiểu lắm, từ nay trở đi tôi không cho con cái, họ hàng lấy cùng máu nữa, nếu mà lấy cùng máu thì ảnh hưởng con cái sau này, giống nòi, nên tôi quyết định là sau này tuyên truyền cho bà con đừng có giống tôi và lấy cùng máu nữa, tức là chưa qua ba đời”.
Chị Rơ Ô H’ Iêm cũng ở Bôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa lấy chồng năm 2009 khi vừa tròn 17 tuổi, hiện tại chị đã là mẹ của 2 bé gái. Vì kết hôn sớm, lại sinh con ngay khi tuổi đời còn trẻ, chồng đi làm thuê kiếm ăn từng bữa, chị ở nhà chăm 2 con nhỏ, nên gia đình chị luôn trong cảnh túng thiếu. Rồi đây tương lai của các con chị ra sao khi cuộc sống gia đình cứ mãi quẩn quanh với đói nghèo, thất học. Theo thống kê, từ năm 2014 đến tháng 6-2017 trên địa bàn thị xã Ayun Pa có 62 cặp tảo hôn, 6 cặp hôn nhân cận huyết thống. Những hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống làm người dân mất đi cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm tốt, cải thiện điều kiện sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, làm suy giảm giống nòi và là một trong những lực cản của phát triển xã hội.
Chị Rcom H’Juh-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Rbol cho biết: “Trên địa bàn xã Ia Rbol trong những năm gần đây vẫn còn xảy ra một số trường hợp tảo hôn, để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này, các cấp chính quyền cũng như Hội Phụ nữ xã Ia Rbol đã tư vấn tuyên truyền đến từng nhà dân, thành lập Câu lạc bộ“Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”, hàng tuần, hàng tháng sinh hoạt định kỳ với chị em phụ nữ để nắm tâm tư, tình cảm và tư vấn, giúp chị em phụ nữ tại xã hiểu rõ và tránh xa tình trạng tảo hôn”.
Để giúp người dân hiểu và bài trừ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Ayun Pa và các xã, phường đã tích cực tư vấn, truyền thông trực tiếp, đến từng nhà vận động, thay đổi tư duy, cách nghĩ của chị em, từ đó giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm và sinh con khi chưa đến tuổi trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hiện tại Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Rbol đã thành lập câu lạc bộ “Nói không với tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống”. Đây là địa chỉ tin cậy để phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân Gia đình, về những ảnh hưởng nghiêm trọng của hôn nhân cận huyết thống, từ đó tiến tới bài trừ nạn tảo hôn tại địa phương.
Chị Rah Lan H’Yuin, trú tại Bôn Rưng Ma Nhiu, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa cho biết: “Mình nghỉ học từ năm lớp 9, năm 17 tuổi mình cưới chồng, giờ có con gái 6 tuổi rồi, hai vợ chồng mình làm nông thôi, kinh tế gia đình cũng khó khăn, sau khi tham gia câu lạc bộ này mình nhận thấy tảo hôn là không tốt, mình sẽ về tuyên truyền để bà con trong làng biết, và sau này không để con gái mình phải kết hôn sớm như mình”.
Để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời công tác truyền thông phải sát với tình hình thực tế, tăng cường đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện để những câu chuyện buồn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn thị xã Ayun Pa không còn xảy ra.
PV