Phát huy thế mạnh của trung du và miền núi phía Bắc trong thu hút đầu tư

09:12 AM 09/11/2021 |   Lượt xem: 19080 |   In bài viết | 

Ông Hoàng Văn Xô - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Ủy ban Dân tộc)

Chưa khai thác được lợi thế

Với diện tích khoảng 100.965 km2, chiếm 28,6% diện tích cả nước với tổng dân số 13.853.190 người, Trung du và Miền núi phía Bắc được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế, tiềm năng cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, nhờ nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây và Nam Trung Quốc. Đặc biệt, đây là vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển trong nhiều năm qua.

Cụ thể về cơ chế, chính sách, theo ông Hoàng Văn Xô - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Ủy ban Dân tộc): Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về những phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đóng vai trò rất quan trọng, đã "mở đường" cho hàng loạt các cơ chế, chính sách và quyết sách về hỗ trợ sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ giảm nghèo. Cùng với đó, Nghị quyết 35 về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có các tỉnh miền núi phía Bắc cũng đưa ra nhiều ưu tiên phát triển.

“Những chính sách ưu tiên đó đã tạo ra một môi trường hết sức thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc” - ông Hoàng Văn Xô thông tin.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI vào các tỉnh trong vùng vẫn còn hạn chế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 8/2021, 14 tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc mới thu hút được 1.169 dự án FDI còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký 21,11 tỷ USD. Trong khi đó, hiện Việt Nam đã thu hút được khoảng trên 34.000 dự án với tổng vốn đăng ký trên 404 tỷ USD.

Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư)

Đánh giá về kết quả này, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Đây là một kết quả quá thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Phát huy lợi thế, “đánh thức” tiềm năng

Nói về những nguyên nhân chủ yếu khiến Trung du và Miền núi phía Bắc chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng cho rằng: Việt Nam mở cửa thu hút FDI được 33 năm, với nhiều chính sách hấp dẫn trong thu hút FDI được ban hành và đã mang lại những kết quả tự hào. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng ta vẫn chỉ tập trung đầu tư vào những địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, và bản thân các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, họ cũng phải lựa chọn những vị trí, địa điểm an toàn nhất để tránh rủi ro và mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc dù có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng phải thừa nhận, hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa thuận lợi nhất để hấp dẫn được các nhà đầu tư. Đây cũng chính là nguyên nhân FDI đầu tư vào vùng này còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài: Một số các địa phương trong vùng những năm gần đây nổi lên như điểm đến hấp dẫn của cả nước về thu hút đầu tư, điển hình như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, trong đó, Thái Nguyên đã thu hút được những tập đoàn đa quốc gia như Samsung. Từ phân tích trên, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, để tăng sức hấp dẫn cho thu hút đầu tư, người đứng đầu địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng, cùng với đó, những chính sách thu hút FDI cũng cần phải được địa phương chú trọng.

Thực tế này đã được chứng minh tại tỉnh Phú Thọ - một địa phương thuộc Trung du và Miền núi phía Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI đến từ các đối tác đầu tư lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Riêng 10 tháng đầu năm 2021, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng địa phương này vẫn thu hút được 12 dự án FDI đăng ký mới, 16 dự án FDI đăng ký tăng vốn và 6 lượt dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 500 triệu USD, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI từ đầu năm đến nay.

Để có được kết quả trên, theo ông Phạm Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ: Những năm qua, thu hút vốn FDI được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện từ khá sớm. Cụ thể, năm 1997, tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế đối ngoại, trên cơ sở đó, HĐND, UBND tỉnh đã cụ thể hóa triển khai thực hiện bằng các văn bản, như: Nghị quyết số 180/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 12/1/2012 về hỗ đầu tư và quy hoạch khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Ông Phạm Quang Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Thọ

Nhằm đưa Phú Thọ trở thành điểm đến đầu tư thực sự hấp dẫn của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cũng như cả nước, ông Phạm Quang Minh cho biết, chính quyền địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục quyết tâm cao trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đến triển khai dự án, Phú Thọ sẵn sàng quỹ đất rộng với những địa hình khác nhau, như: Đồng bằng, trung du, miền núi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…

Bên cạnh sự chủ động của các địa phương trong vùng, ông Hoàng Văn Xô cho biết, Trung du và Miền núi phía Bắc có rất nhiều tiềm năng, trong đó có những tiềm năng mà vùng khác không có, chính vì vậy, để tạo thuận lợi cho khai thác tiềm năng trong vùng, thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung tham mưu cho các cơ quan Chính phủ, các cấp có thẩm quyền về chính sách phù hợp với thực tễn, đặc thù của vùng để tạo sự hấp dẫn với nhà đầu tư. Cùng với đó, sẽ đề xuất làm sao để có đầu mối tập trung nguồn vốn phát triển, tránh dàn trải. Đặc biệt, ưu tiên tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, bởi đây là vấn đề quan trọng đối với vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Ông Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ quan tâm hệ thống chính sách, độ mở của chính sách với nhà đầu tư và môi trường xã hội chung, không có biến động chính trị. Theo đó, bên cạnh hoàn thiện hệ thống hạ tầng, các địa phương trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc cũng cần chú trọng đến các chính sách ưu đãi đầu tư.

(congthuong.vn)