Nói lý, hát lý trong đời sống đồng bào Cơ Tu

09:42 AM 03/11/2015 |   Lượt xem: 1834 |   In bài viết | 

Di sản văn hóa phi vật thể Nói lý, hát lý là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian tồn tại trong đời sống của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam. Đây là một hình thức nghệ thuật ứng khẩu kết hợp giữa nói với hát, giữa lời ăn tiếng nói với nhạc điệu thường được các già làng, những người lớn tuổi trong làng sử dụng để chuyển tải tâm tình, cách ứng xử với nhau trong đời sống của cộng đồng.

Già làng Y Kông (xã Ba, huyện Đông Giang) là một trong số những nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn di sản Nói lý, hát lý trong đời sống hằng ngày của dân làng. Ông đã sưu tầm, chế tác, trưng bày nhiều nhạc cụ truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại bảo tàng tư nhân của ông trên đường Hồ Chí Minh và thường xuyên biểu diễn hát lý, nói lý cùng với các nhạc cụ cho du khách thưởng thức.

Được biết, Nói lý, hát lý phụ thuộc vào việc ứng khẩu của người đối đáp với nhau. Một buổi hát lý, nói lý thành công chính là ở sự khéo léo ứng khẩu, kinh nghiệm của nghệ nhân tham gia, nhạc điệu của nhạc cụ và ở cả sự nhiệt tình tham gia và lĩnh hội ý tứ từ người nghe.
Theo già làng Y Kông, hiện Nói lý, hát lý vẫn tồn tại trong sinh hoạt của dân làng Cơ Tu và thường được thể hiện trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ Tu như ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em, đám cưới... Nói lý, hát lý còn được dùng để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong các mối quan hệ giữa gia đình, bạn bè, xã hội, công việc…

Những nghệ nhân Nói lý, hát lý thường là những người lớn tuổi, có uy tín, am hiểu văn hóa của đồng bào thì mới có thể tham gia đối đáp với nhau. Nhiều du khách háo hức nghe vợ chồng già Y Kông đã hơn 80 tuổi vẫn say sưa hát lý, biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống, nghe chuyện văn hóa Cơ Tu. Trong cuốn sổ của già làng đã có bút tích, ghi chép của hơn 200 đoàn khách từ 40 quốc gia đến nghe chuyện văn hóa Cơ Tu của già Y Kông.

Già làng Y Kông mấy mươi năm sống với nhau, vợ chồng mỗi lần hờn trách nhau thì chỉ cần đánh đàn Tơhhel, nói lý lẽ bằng âm thanh và điệu lý cũng đủ tê tái, thấm thía. Khi trong làng xảy ra mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân, hoặc giữa các cộng đồng với nhau thì già làng thường dùng nói lý như một phương cách đối thoại để giải hòa. Khi khách quý đến thăm làng thì hát lý như một lời chào đón khách và giới thiệu cho khách về những văn hóa truyền thống của làng. Khi đám cưới xin diễn ra, hát lý nói lý để hai họ giao lưu, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Theo: Khánh Chi (Nguồn: Báo Văn hóa)