Giữ nghề truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pakô

02:54 AM 28/10/2015 |   Lượt xem: 2843 |   In bài viết | 

Xã Đakrông, huyện Đakrông, một trong những xã mạnh về phát triển các nghề truyền thống của huyện, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các nghề truyền thống tại đây đang dần mất đi theo năm tháng. Những người dân xã Đakrông cho biết: Nghề dệt thổ cẩm có truyền thống lâu đời và là thế mạnh của đồng bào PaKô, Vân Kiều nơi đây, được truyền từ đời này sang đời khác và đã ngấm vào máu những người phụ nữ Vân Kiều, PaKô. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, nghề truyền thống không đảm bảo cuộc sống, nên đồng bào chuyển sang làm nghề khác.

Nguyên nhân khiến bà con không mặn mà với nghề truyền thống là do dệt thủ công bằng tay hiệu quả kinh tế thấp, giá thành cao, không thể cạnh tranh với các sản phẩm dệt may bằng máy. Để dệt được một tấm vải phải mất gần một tuần và nguyên liệu phải đặt mua từ Lào về. Một tấm vải dệt truyền thống hiện bán với giá từ 500.000 đồng đến một triệu đồng, trong khi cùng mẫu vải như vậy dệt bằng máy được bán ngoài thị trường chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng.

Bên cạnh nghề dệt vải, các nghề khác như đan lát, làm chổi đót, rượu cần… cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Hồ Xuân Chế (70 tuổi, ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông) là một trong những người vẫn còn theo đuổi nghề đan lát của cha ông trên địa bàn xã, tâm sự: “Tôi phải mất 1 ngày để đi lấy mây trên rừng làm nguyên liệu đan và mất 2 ngày đan, mới làm xong một sản phẩm. Tuy nhiên, một sản phẩm làm ra chỉ bán được từ 80.000 - 100.000 đồng và không phải lúc nào cũng bán được”. Mặc dù sản phẩm rẻ, đầu ra bấp bênh, nhưng ông vẫn quyết tâm giữ bằng được nghề của cha ông. Trăn trở với nghề truyền thống của đồng bào mình, ông rất muốn truyền nghề cho con cháu, nhưng lớp trẻ lại không mặn mà. Tâm sự của ông Chế cũng là nỗi niềm chung của những người còn giữ được nghề truyền thống ở Đakrông.

Ông Trần Văn Chạy - Chủ tịch UBND xã Đakrông, huyện Đakrông cho biết: Toàn xã hiện nay có 30 hộ làm chổi đót, nhưng chỉ làm theo mùa, 10 hộ làm mây tre đan, riêng dệt không còn hộ nào theo nghề. Do công sức bỏ ra nhiều, thù lao quá thấp, cùng với đầu ra cho sản phẩm khó khăn, dẫn đến tình trạng lớp già bỏ nghề, lớp trẻ không mặn mà học tập để gìn giữ. Mặt khác, do không có định hướng đầu ra cho người dân nên việc tổ chức phát triển làng nghề còn mang tính chất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu dự trữ còn hạn chế do thiếu vốn nên mỗi năm người dân, chỉ làm nghề trong vài tháng có nguyên liệu.

Để bảo tồn, phát huy lợi thế và giữ gìn các nghề truyền thống của đồng bào Vân Kiều, PaKô, cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, việc đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, cũng như quảng bá hình ảnh và tìm đầu ra cho sản phẩm, là một việc làm quan trọng trong việc đảm bảo chỗ đứng lâu dài cho các nghề truyền thống của đồng bào.

Theo: Thanh Thủy (Nguồn: baotintuc.vn)