Gìn giữ văn hóa ẩm thực đồng bào Thái, Yên Bái

08:53 AM 12/05/2015 |   Lượt xem: 1847 |   In bài viết | 

Chưa kể, Nghĩa Lộ - Mường Lò còn được bao bọc bởi núi rừng, đồi nương, là trung tâm của các huyện thị phía Tây của tỉnh Yên Bái nên các sản vật của núi rừng như: măng sặt, chè Suối Giàng, rau rừng, rêu đá, táo mèo... đều được trao đổi buôn bán tại đây. Từ nguồn thực phẩm phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc núi rừng Tây Bắc, người Thái ở Nghĩa Lộ đã chế biến thành các món ăn độc đáo mà ai đã từng thưởng thức không thể quên được mùi vị riêng của nó.

Bà Lường Thị Hồng Chung ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi tự hào chia sẻ: "Nói đến văn hóa dân tộc Thái phải kể đến những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực rất riêng của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò. Từ các loại thực phẩm phong phú nhưng rất dân dã ấy, đồng bào Thái đã chế biến thành những món ăn đặc trưng của dân tộc mình".

Trong những món ăn được chế biến từ hạt gạo Mường Lò, món xôi ngũ sắc là nổi tiếng nhất. Nó không chỉ thơm ngon từ vị giác với sự béo ngậy của hạt gạo, thơm của lá nếp mà còn thỏa mãn thị giác với những màu sắc đẹp lung linh mà nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, mang đặc trưng riêng của phong vị miền Tây Bắc. Bên cạnh đó, là món cơm lam, không chỉ là món ăn cổ truyền mà còn là món ăn linh thiêng gắn với văn hóa tộc người Thái bởi theo tín ngưỡng dân gian, nó gắn với mỗi vòng đời của con người. Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của ống nứa, vị thanh thanh của lá chuối, mùi của khói bếp lửa... khiến món ăn này trở nên quyến rũ lòng người, ai đã thưởng thức một lần chắc khó có thể quên.

Nói đến ẩm thực người Thái mà không nhắc tới các món nướng quả là thiếu sót lớn. Các món nướng được chế biến một cách cẩn thận, cầu kỳ, sử dụng nguyên liệu riêng và các loại gia vị độc đáo. Ví dụ như món Pa Pỉnh Tộp (cá nướng), sau khi cá chín vàng rộm, thơm lừng sẽ mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, giềng và các loại rau thơm. Hay món thịt trâu khô được chế biến từ thịt bắp của trâu cũng là đặc sản vùng cao miền Tây Bắc. Sau khi xẻ dọc thớ thịt từng miếng bằng ba đầu ngón tay, thịt trâu được tiến hành tẩm ướp các loại gia vị tổng hợp như sả, ớt, tỏi, tiêu, hạt xẻn... Khi nướng đủ độ chín, xé ra thành từng sợi nhỏ phải đảm bảo màu đỏ đậm đặc trưng và mang mùi khói ngai ngái của núi rừng...

Hộ gia đình bà Hoàng Thị Loan ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi nổi tiếng cả vùng vì thành công trong việc làm du lịch cộng đồng. Không chỉ chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như nhà sàn, công trình phụ trợ, cảnh quan, vệ sinh môi trường... gia đình bà còn đặc biệt quan tâm đến việc học hỏi cách chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái Mường Lò. Tất cả các thành viên trong gia đình bà đều có những hiểu biết về văn hóa ẩm thực dân tộc Thái và khi có khách du lịch đến lưu trú tại gia đình, ai cũng chế biến được những món ngon này để phục vụ du khách.

Bà Hoàng Thị Loan cho biết thêm: "Chúng tôi luôn quan tâm, cố gắng tìm tòi, truyền dạy các cách chế biến món ăn của dân tộc mình cho thế hệ sau. Để khi có du khách đến thăm gia đình hay thôn bản sẽ mời họ thưởng thức các món ăn này. Từ trước đến nay, đã có rất nhiều du khách được thưởng thức ẩm thực của người Thái chúng tôi nên ai cũng rất thích thú, hài lòng, đặc biệt là du khách nước ngoài".

Nhằm tiếp tục gìn giữ và lưu truyền văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Thái, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang tổ chức nhiều lớp dạy chế biến món ăn dân tộc cho hàng trăm người dân, trong đó chú trọng đến tầng lớp thanh niên. Bà Hoàng Thị Vân, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: "Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền đến người dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Thái, tiếp tục gìn giữ và lưu truyền nghệ thuật chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình trong các bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, đẩy mạnh việc gìn giữ nét văn hóa ẩm thực gắn với du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng để tạo ra nét riêng, đặc trung cho vùng văn hóa Mường Lò".

Trung Kiên (Nguồn: baotintuc.vn)