Hiệu quả của Nghị quyết 30a và Chương trình 135 tại thôn người Mông ở Đắk Lắk

10:00 AM 01/07/2014 |   Lượt xem: 2124 |   In bài viết | 

 Cuối năm 1997, 27 hộ đồng bào Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến định cư lập nghiệp bên kia suối Êa Noh Prông, cách xa trung tâm xã Hòa Phong 9 km. Ngày ấy, mọi người chỉ biết đến nơi đây với cái tên “làng 6 không” - không điện, không đường, không trường học, không chợ, không trạm xá, không nước sinh hoạt.
 
 Do nằm biệt lập trong rừng nên những ngày đầu mới đến lập nghiệp, gặp mùa mưa lũ đi qua, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm gây ra dịch bệnh tả lỵ, chỉ vài ngày đã cướp đi 8 sinh mạng, khiến bà con vô cùng hoang mang. Bên cạnh đó, làn sóng dân di cư tự do tăng lên từng ngày, chỉ trong một thời gian ngắn đã lên đến hơn 150 hộ, đời sống vật chất và tinh thần của bà con vô cùng thiếu thốn, trên 80% là hộ đói nghèo, tỷ lệ mù chữ rất cao và hầu hết không biết tiếng phổ thông. Mọi sự giao tiếp với bên ngoài chủ yếu bằng cử chỉ thay cho ngôn ngữ. 
 
 Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông nhớ lại: “Ngày ấy, mặc dù chỉ là người dân bình thường như những người khác, nhưng nhìn thấy bà con bị chết do tả lỵ, là một người am hiểu tiếng phổ thông, tôi đã viết đơn và trực tiếp lên UBND xã Hòa Phong đề nghị giúp đỡ; qua xã, Huyện Krông Bông đã kịp thời cử đoàn y, bác sỹ về tận thôn chống dịch, đồng thời cứu trợ lương thực, vì vậy bà con mới tránh khỏi ốm đau bệnh tật…” 
 
 Khó khăn, thiếu thốn tưởng chừng không vượt qua nổi, song bằng sự hỗ trợ của nhà nước và sự cần cù chịu khó, chi tiêu tiết kiệm, đến nay mọi mặt đời sống của bà con trong thôn không ngừng được cải thiện, nhiều gia đình có cuộc sống sung túc, khá giả. 
 
 Thực hiện Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ, từ năm 2010, bằng nguồn vốn chương trình sắp xếp ổn định dân di cư tự do, nhà nước đã lập dự án đầu tư gần 16 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình quan trọng như cầu treo, đường giao thông, trường học… Đến nay đã có một số hạng mục hoàn thiện đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân. Năm 2011, mạng lưới điện Quốc gia đã kéo đến từng hộ dân. Năm 2012, Phòng Dân tộc huyện đã đầu tư kinh phí 400 triệu đồng xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung. 
 
 Để giúp cho bà con phát triển kinh tế, Chương trình 135 đã hỗ trợ cho các hộ nghèo 48 con bò, trị giá 240 triệu đồng (thời giá 2009); 100 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 134, 167 với số tiền 1,086.000 đồng. Ngoài ra, mỗi năm nhà nước còn hỗ trợ đời sống, cấp giống cây trồng trị giá hàng trăm triệu đồng.
 
 Nhờ đó, đến nay trong thôn không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 25%, nhiều gia đình có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, sinh hoạt có giá trị.
 
 Anh Hầu Văn Pá, một người dân trong thôn cho biết: Gia đình anh vào lập nghiệp năm 2000, ban đầu vốn liếng không có, vợ chồng anh vừa phải tích cực khai hoang diện tích, vừa phát triển dịch vụ. Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, hiện nay gia đình anh đã có 400 trụ tiêu năm thứ ba, trồng mới 1000 cây cà phê, ngoài ra còn trồng hơn 2 ha cây hằng niên. Vợ anh mở dịch vụ gia công và mua bán trang phục truyền thống, thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng, gia đình anh đã sắm được 1 xe ô tô 7 chỗ ngồi, 1 xe công nông, xây dựng được 1 hệ thống máy lọc sản xuất nước tinh khiết phục vụ nhu cầu tại chỗ cho bà con trong thôn …
 
 Bên cạnh việc hỗ trợ có hiệu quả từ các chương trình, dự án của nhà nước, hiện nay các dịch vụ thương mại, may mặc, xay xát, cơ khí, sửa chữa ở trong thôn phát triển mạnh, bà con không còn phải đi xa để mua bán những nhu yếu phẩm hay vật tư nông nghiệp, phân bón như trước đây, 90% gia đình có xe máy đi lại… Nếu như trước đây cả thôn chỉ có một vài người biết chữ thì hiện nay đã phổ cập tiểu học, số học sinh theo học Trung học cơ sở, Trung học phổ thông ngày càng nhiều, có 2 em tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm, 01 em đang học Cao đẳng. Hoạt động của Đội Thanh niên xung kích bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thôn được giữ vững ổn định.
 
 Bà Dương Thị Sái - người dân trong thôn bày tỏ: “ Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho bà con chúng tôi phát triển kinh tế, đến nay đời sống của bà con đã ổn định, giờ thì yên tâm chăm lo sản xuất để khá giả hơn thôi..”.
 
 Quả thật, 17 năm cho một cuộc hành trình xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới chưa phải là dài, song với những chính sách xác thực và những kết quả mà bà con người Mông thôn Noh Prông có được hôm nay đã góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, thật đáng ghi nhận./.

Mai Viết Tăng