'Xương sống' của chính sách dân tộc
10:15 AM 19/07/2013 | Lượt xem: 2246 In bài viết |Chương trình 135 góp phần đổi mới bản, làng Chương trình 135 đã trở thành “thương hiệu” rất quen thuộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc và miền núi. Qua 2 giai đoạn đầu tư (gồm giai đoạn I và II, từ năm 1998 - 2010), Chương trình 135 đã chứng minh là một chương trình hỗ trợ hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và biên giới. Tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh (bình quân 3,6%/năm)...
Có thể nói Chương trình 135 chính là "xương sống" của chính sách dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư. Chương trình là cơ hội giúp đồng bào nghèo vùng dân tộc và miền núi thoát nghèo nhanh và bền vững, thể hiện sự nhất quán và liên tục trong chính sách, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ, nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ lâu dài, trọng tâm mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra, nhằm giúp đồng bào vượt qua các yếu tố bất lợi về điều kiện tự nhiên, khó khăn về kinh tế - xã hội, từng bước phát huy nội lực, vươn lên phát triển bền vững.
Theo kết quả tổng kết và khảo sát, đánh giá thực hiện Chương trình 135 của Ủy ban Dân tộc (UBDT), các cử tri và các tổ chức quốc tế; Chương trình 135 đã được thiết kế đầu tư xuống cấp xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tức là xuống đến tận người dân. Chương trình không chỉ bao gồm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tập trung vào giảm nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, trên quan điểm tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đủ lớn để địa bàn này đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; giảm chênh lệch về khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng trong cả nước.
Chương trình 135 giai đoạn III được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2012 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng theo cơ chế rút gọn, tập trung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ 2 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất và Hỗ trợ cơ sở hạ tầng. Cụ thể, về hỗ trợ phát triển sản xuất, sẽ tập trung bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế...; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo hỗ trợ phát triển sản xuất, cán bộ khuyến nông, lâm, ngư nghiệp... Về xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ tập trung làm đường giao thông nông thôn, điện, trường, trạm, các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa, thông tin; cải tạo, xây mới hệ thống thủy lợi và các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở.
Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, UBDT tiếp tục được Chính phủ giao là cơ quan chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình 135 giai đoạn III. Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử đã thành lập Văn phòng Điều phối để quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, hướng dẫn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện; xây dựng kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình 135; nghiên cứu, xây dựng các mô hình, cách làm mới để góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình; Rà soát, xác định danh sách xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách xã. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT quyết định danh sách thôn, bản đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135; Xây dựng tiêu chí xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương hàng năm bình xét xã, thôn, bản đủ tiêu chí hoàn thành mục tiêu, lập danh sách, tổng hợp, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định; Đề xuất hình thức biểu dương, khen thưởng các địa phương có nhiều thành tích trong quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là các địa phương có nhiều xã, thôn, bản sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; Vận động, các doanh nghiệp, tổ chức Quốc tế, các đối tác phát triển nhằm vay vốn, hỗ trợ vốn, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho chương trình...
Bài và ảnh: Minh Đức (Nguồn: baotintuc.vn)