Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên
03:01 AM 08/11/2011 | Lượt xem: 2884 In bài viết |Mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 nhằm tạo bước phát triển toàn diện ở các cấp học, nhất là giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ồn định chính trị, quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Theo Quyết định, đến 2015, 100% số huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường phổ thông dân tộc nội trú; 96-98% trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98-99% ở tiểu học, 87-90% ở trung học cơ sở và 60% ở trung học phổ thông.
Về giáo dục đại học, đến năm 2015, bình quân đạt 180 sinh viên/1 vạn dân; thành lập thêm 2 trường đại học (trong đó có 1 trường đại học tư thục) và 4 trường cao đẳng; tỷ lệ sinh viên dân tộc thiểu số đạt từ 18-20% trở lên trong tổng số sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong vùng.
Về dạy nghề, đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 35%; toàn vùng có 5 trường cao đẳng nghề, 15 trường trung cấp nghề, mỗi đơn vị huyện có ít nhất một trung tâm dạy nghề; thực hiện công tác hướng nghiệp để thu hút từ 5-7% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề….
Để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên, sẽ hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học ở các cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư cho Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa ngành, từng bước mở thêm ngành nghề đạo tạo mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu mạnh của vùng Tây Nguyên. Ưu tiên đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề cho một số nghề ở Trường cao đẳng nghề Đà Lạt và Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2-5 nghề đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, các giải pháp về phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề… cũng sẽ được chú trọng/.
(Theo Website Đảng Cộng sản VN)