Đất, vốn và dạy nghề: “Cần câu” cho đồng bào dân tộc

11:48 AM 17/05/2011 |   Lượt xem: 3383 |   In bài viết | 

Đất đai vừa là đối tượng lao động vừa là tư liệu sản xuất quan trọng nhất của nhà nông. Nhưng, do nhiều lý do khác nhau mà một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chưa có đất sản xuất.

Thấu hiểu khó khăn của bà con dân tộc thiểu số nghèo, theo thống kê của Ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo quốc gia, chỉ tính riêng giai đoạn 2006-2010, ngoài Chương trình 135 giai đoạn II, Chính phủ đã ban hành 15 Nghị định, Thủ tướng ban hành 72 Quyết định và các bộ, ngành ban hành 29 Quyết định nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số theo từng lĩnh vực. 

Trong đó, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đã được các bộ, ngành và 43 tỉnh chủ động, tích cực triển khai, đã cấp 27.763ha cho 85.563 hộ.

Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đã tạo nên sự thay đổi tích cực nhiều mặt của đồng bào, nhất là tạo điều kiện để bà con có thu nhập ổn định, điều kiện tiên quyết trong xoá đói, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, do việc phân bổ vốn chậm nên việc cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ hoàn thành cao nhất so với kế hoạch cũng mới đạt 98% số hộ và 88% diện tích; tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ (61% số hộ và 54% diện tích); thấp nhất là vùng Đông Bắc, mới đạt 34% số hộ và 38% diện tích.

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 9/6/2008, Thủ tướng ban hành Quyết định 74/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn giai đoạn 2008 – 2010. Theo đó, năm 2010, đã hỗ trợ 200 tỷ đồng, cho vay 100 tỷ đồng.

Cùng với chính sách hỗ trợ đất sản xuất, Chính phủ còn ban hành khá đồng bộ hệ thống chính sách tạo điều kiện để bà con có thể tự vươn lên, như Chương trình 135, được thực hiện tại 50 tỉnh với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (đã bố trí được hơn 2.301 tỷ đồng từ 2006-2010), xây dựng hệ thống hạ tầng (đầu tư hơn 8.646 tỷ đồng xây 12.464 công trình từ 2006-2010), đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất...

Theo ý kiến của bà con, tất cả các chương trình, dự án của Chính phủ giúp bà con vươn lên đều cần thiết nhưng việc hỗ trợ đất sản xuất, cho vay vốn phát triển sản xuất và nâng kỹ năng sản xuất (hướng dẫn cách làm ăn, giới thiệu điển hình làm tốt thông qua khuyến nông và thông tin báo chí) là đặc biệt quan trọng vì trực tiếp giúp bà con nâng cao thu nhập, biết cách khai thác lợi thế đất đai, khí hậu có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, có đất, có vốn, được xem, được nghe, được nhìn thấy các mô hình có điều kiện như mình làm ăn có thu nhập cao, làm giàu, lại được hướng dẫn cách làm tỷ mỷ, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo.

Theo Hồng Phong(Chinhphu.vn)