Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho nông dân Lạng Sơn

02:15 AM 25/11/2010 |   Lượt xem: 3893 |   In bài viết | 

Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch

Từ năm 2007 đến 2010, Lạng Sơn đã triển khai một số dự án ứng dụng tiến bộ KH và CN thuộc các lĩnh vực từ nhân giống cây trồng, sản xuất, tiêu thụ rau an toàn... đến ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyên truyền thông tin khoa học thuộc chương trình nông thôn miền núi. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án: 'Ứng dụng tiến bộ KH và CN xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống tại Lạng Sơn'. Dự án được Bộ KH và CN phê duyệt thực hiện trong thời gian từ năm 2007 - 2010. Quá trình triển khai thực hiện dự án, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở đã được tiếp cận và làm chủ quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: nuôi cấy mô tế bào và bảo quản lạnh để sản xuất khoai tây giống các cấp. Những quy trình công nghệ này đã được hoàn thiện theo hướng phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương.

Thông qua các mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN để sản xuất, mỗi năm hàng trăm lượt hộ nông dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất khoai tây giống; cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu được tạo lập cho nên bảo đảm quy trình sản xuất khép kín từ hệ thống phòng nuôi cấy mô đến hệ thống kho lạnh bảo quản giống với công suất hàng trăm tấn/năm. Khi dự án triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây giống tại địa phương; thúc đẩy việc tạo lập hệ thống sản xuất khoai giống tại chỗ. Nhờ đó, Lạng Sơn đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp cho vụ đông thành sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân và an ninh lương thực của tỉnh. Từ những kết quả triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN Lạng Sơn) tiếp tục sản xuất giống khoai tây các cấp (từ củ khoai giống Invitro đến siêu nguyên chủng và nguyên chủng) để phục vụ sản xuất khoai tây giống trên địa bàn với quy mô khoảng 150 đến 200 nghìn củ giống khoai Invitro và 40 tấn giống khoai tây nguyên chủng/năm.

Ở Bằng Khánh (Lộc Bình), trước đây người dân chưa biết cách áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cho nên vụ đông đất để hoang hóa. Nhưng gần đây, thông qua các tổ chức khoa học, người dân được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, những cánh đồng hoang hóa giờ trở thành những cánh đồng khoai tây bạt ngàn, là cây vụ đông chủ lực. Anh Hoàng Văn Dũng ở Bằng Khánh cho biết: Khoai tây là cây hợp với khí hậu lạnh, dễ trồng, cho thu nhập cao. Năm nay gia đình trồng hơn năm sào, khi thu hoạch có người thu mua ngay tại ruộng. Theo tính toán của anh Dũng, sau 90 ngày canh tác, bình quân mỗi sào khoai tây cho năng suất từ 1 đến 1,5 tấn, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng ba triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Thị Hà cho biết: Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng KH và CN tiên tiến vào sản xuất, điển hình là ứng dụng để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng cấy mô tế bào; tuyển chọn, xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh cây lê (Tràng Ðịnh); xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè Shan ở Mẫu Sơn (Lộc Bình)... Ðến nay toàn tỉnh có từ 70 đến 95% diện tích gieo trồng được nông dân đưa giống mới vào sản xuất như: lúa, ngô lai, đậu tương... góp phần đưa tổng giá trị thu nhập trên diện tích gieo trồng đạt từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Nhiều huyện đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng khoai tây, dưa hấu ở huyện Lộc Bình và Cao Lộc; vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở Tràng Ðịnh...

Nhằm khai thác đặc điểm khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, Sở KH và CN trực tiếp giao Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN thực hiện dự án: 'Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) tại Lạng Sơn', thời gian thực hiện từ năm 2008 đến 2010. Qua các mô hình RAT tại một số vùng trồng rau của tỉnh, người dân đã biết cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và phương pháp quản lý, giám sát trong sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VIETGAP, từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm RAT ở Lạng Sơn đã và đang được tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh. Từ những kết quả đạt được, nhiều hộ nông dân phấn khởi, tích cực mở rộng thêm diện tích sản xuất RAT.

Ứng dụng công nghệ - thông tin vào sản xuất

Thông qua chương trình nông thôn miền núi, vài năm gần đây, Lạng Sơn còn được Bộ KH và CN hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ - thông tin nhằm đưa thông tin KH và CN mới đến tuyến xã. Ðến nay, dự án 'Xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH và CN phục vụ phổ biến kiến thức KH và CN cho tuyến xã của Lạng Sơn' bước đầu đã hình thành mạng lưới cung cấp thông tin KH và CN đến 30 trong số 226 xã trong tỉnh. Việc xây dựng các mô hình cung cấp thông tin này đã góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin KH và CN, thông tin kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để cán bộ và người dân các xã tiếp cận nhanh chóng kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Ðây là dự án có ý nghĩa thiết thực đối với Lạng Sơn, một tỉnh nghèo, hệ thống giao thông, viễn thông, truyền hình... đến tuyến xã chưa phát triển.

Qua triển khai các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi tại Lạng Sơn thời gian qua có thể thấy, các dự án đã và đang bám sát nội dung và đạt được các mục tiêu đề ra. Hầu hết các mô hình khi triển khai đã thực hiện tốt nhiệm vụ khi đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại địa phương. Kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở được tích lũy và củng cố. Người dân trong vùng dự án và các vùng lân cận nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của KH và CN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Từ đó tích cực chủ động tìm kiếm và áp dụng các tiến bộ KH và CN vào sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng cần giải quyết trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn miền núi ở Lạng Sơn vẫn còn không ít khó khăn. Cùng với sự phát triển KH và CN, việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu tới người dân là việc Lạng Sơn cần thúc đẩy thường xuyên, nhất là với vùng nông thôn, miền núi, nơi trình độ sản xuất còn hạn chế. Việc tiếp tục thực hiện chương trình nông thôn miền núi trong thời gian tới là hết sức cần thiết để tăng cường hơn nữa việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất của khu vực này.

Mai Quý Tùng Nguồn: nhandan.com.vn