Nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú: Phải đầu tư từ gốc

09:00 AM 22/11/2010 |   Lượt xem: 3111 |   In bài viết | 

Còn nhiều tồn tại, bất cập

Năm học 2009-2010, toàn quốc có 294 trường PTDTNT, bao gồm 6 trường trực thuộc Bộ, 49 trường PTDTNT tỉnh, 239 trường PTDTNT huyện với khoảng 84.000 học. Nhìn chung, quy mô học sinh PTDTNT ở các địa phương đều tăng. Tỉ lệ HS PTDTNT chiếm khoảng 6,03% số HS dân tộc thiểu số (DTTS) cấp trung học của cả nước. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đến nay mới có khoảng 10% số trường PTDTNT trong hệ thống trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia.

Các địa phương có nhiều trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia là Lào Cai. Tuy nhiên, tỉ lệ trường đạt chuẩn của các địa phương này cũng chỉ chiếm khoảng 40-60%. Mạng lưới và qui mô trường PTDTNT phát triển chưa đồng đều giữa các địa phương có đông đồng bào DTTS, chưa có sự chuẩn bị tốt về các điều kiện để nuôi dạy HS. Đặc biệt, tỉ lệ HS không ở nội trú còn cao ở các trường PTDTNT các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu...

Trong những năm gần đây, việc tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển được đánh giá là đã cải thiện rõ rệt chất lượng đầu vào của các trường PTDTNT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khó khăn trong công tác tuyển sinh vẫn là chất lượng nguồn tuyển, đặc biệt đối với các trường đang thực hiện phương thức xét tuyển. Đơn cử, trường phổ thông vùng cao Việt Bắc xét tuyển đầu vào có tỉ lệ 70% HS có học lực giỏi và khá. Nhưng, khi tổ chức kiểm tra chất lượng đầu vào với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ thì nhiều HS không đạt yêu cầu.

Một vấn đề nữa nổi lên là chất lượng đào tạo trong các trường PTDTNT chưa thực sự cao và không đồng đều giữa các địa phương có trường PTDTNT. Số HS sau tốt nghiệp chưa được đào tạo tiếp còn cao, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Theo báo cáo của 33 đơn vị, số học sinh có học lực giỏi và khá của các trường PTDTNT chưa nhiều. Cụ thể cấp THCS là 43,4%, cấp THPT là 41,8%. Số học sinh học lực trung bình và yếu, kém vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể, cấp THCS là 56,6%, cấp THPT là 58,2%.

Cần đầu tư cho nguồn tuyển và giáo viên giảng dạy

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho rằng trước hết là phải chuẩn bị được nguồn tuyển sinh tốt. Ông Ngọ nhấn mạnh: “Cần kết gắn và điều chỉnh hợp lý mạng lưới, quy mô trường PTDTNT với quy mô, mạng lưới trường ở vùng DTTS. Làm tốt công tác phổ cập ở vùng DTTS để chuẩn bị tốt nguồn tuyển sinh vào trường PTDTNT.

Ngoài ra, cần tăng cường bồi dưỡng, tập huấn giáo viên về các nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT. Đồng thời gắn chặt đào tạo và phân luồng học sinh PTDTNT, có thể tăng cường phân luồng vào các trường nghề vì hiện nay việc dạy nghề đã có chính sách, cơ sở dạy nghề ở các địa phương tăng lên đáng kể”.

Còn theo bà Đinh Thị Kim Phương , Hiệu trưởng trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục trong trường PTDTNT “cần chú trọng công tác chủ nhiệm lớp vì giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò  quan trọng, có thể nói là người thay mặt cha mẹ HS để trực tiếp quản lý, giáo dục các em”. Bên cạnh đó, để khuyến khích các em học tập, “Bộ cần có chế độ, chính sách cho HS DTTS thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Chính sách hiện nay chưa hợp lý, bởi HS DTTS cử tuyển thì được học bổng, được miễn học phí nhưng những đối tượng không thuộc diện cử tuyển, thi điểm cao đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng thì lại không được hưởng những chế độ ưu đãi trên”.

Bên cạnh những giải pháp trên, ông Ksor Jin, Phó Giám đốc sở GD-ĐT Gia Lai đưa ra đề nghị nên có phần “mềm” trong chương trình giáo dục phổ thông. “Hiện nay, học sinh Tây Nguyên bị quá tải khi sử dụng sách giáo khoa chung. Vì vậy, Bộ cần xem xét đối với chương trình giáo dục phổ thông nên có phần “mềm” cho phù hợp với năng lực của HS DTTS, giúp các em có thể tiếp thu tốt kiến thức” - ông Ksor Jin nói.

Tiến sĩ Mông Ký Slay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc khẳng định: “Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường PTDTNT vừa là mục tiêu, vừa là lý do để trường PTDTNT tồn tại. Đặc biệt, công tác tổ chức và quản lý nội trú trong các trường PTDTNT phải được khắc phục. Không thể để trường PTDTNT mà không tổ chức nội trú”.

Để khắc phục những bất cập trong hệ thống trường PTDTNT, theo ông, việc phát triển mạng lưới, qui mô trường PTDTNT phải phù hợp với nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ DTTS của các địa phương (đạt ít nhất 7% HS DTTS cấp trung học trong toàn quốc được học trong trường PTDTNT vào năm 2015, 8% vào năm 2020). Trước mắt, xem xét mở đào tạo liên cấp THCS và THPT đối với các trường PTDTNT cấp huyện thuộc 62 huyện nghèo.

Về công tác tuyển sinh, ông Mông Ký Slay định hướng tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh theo hướng thi tuyển kết hợp với xét tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào. Đối tượng tuyển sinh là con em các DTTS vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, chú ý chỉ tiêu tuyển sinh đối với các DTTS rất ít người và tỉ lệ 5% HS người Kinh trong tổng số chỉ tiêu hàng năm vào học trong các trường PTDTNT.

Nguyễn Bích (Nguồn: bienphong.com)