Con chữ cách một dòng sông

03:18 AM 08/11/2010 |   Lượt xem: 2601 |   In bài viết | 
Đã nhiều năm nay, người dân thuộc 3 thôn 10, 11 và 12 của làng Biên (chủ yếu là dân tộc Bahnar) sống gần như tách biệt với bên ngoài mỗi khi mưa lũ về. Còn mùa khô, muốn qua sông trẻ em và người lớn đều phải bơi.

Gập ghềnh con chữ

Dân ở đây đa số đều nghèo, miếng cơm còn chưa đủ ăn nói chi đến việc ngày bỏ ra 20 nghìn đồng tiền đò cho con đến trường. Nhiều lúc người lớn muốn qua xã mua gạo, mua muối… nhưng không dám qua sông vì nước sông Ba chảy xiết.

Từ trước tới nay, 3 thôn 10, 11 và 12 của làng Biên có tổng cộng chưa đầy 50 học sinh các cấp học, và chưa có em nào học lên được cấp 3.

Nhiều em hiếu học đã cố sức lội qua sông bất chấp hiểm nguy luôn rình rập. Ông Nguyễn Văn Châu, làng Biên, xã An Trung, một người lái đò lâu năm ở đây cho biết: "Tôi từng cứu nhiều cháu nhỏ cố bơi qua sông để sang bên kia đi học. Biết là nguy hiểm nhưng vì cái chữ nên các cháu vẫn liều lĩnh. Rất may cho đến nay chưa có trường hợp nào bị chết đuối, nhưng nếu tình trạng này vẫn tái diễn thì sẽ không thể lường trước được điều gì".

Học sinh ở đây hầu như chỉ học hết lớp 3. Lý do, vì từ lớp 4 trở lên, phải qua sông học nội trú bên xã. Nhiều gia đình khó khăn, không lo nổi tiền học, tiền đò cho con, và dù biết chỉ có con đường học vấn mới thay đổi được số phận nhưng nhiều em vẫn phải chấp nhận cảnh thất học, ở nhà lao động phụ giúp cha mẹ.

Thương các em, giáo viên đã bỏ tiền túi mua gạo, sách vở cho các em với mong muốn các em quay lại trường. Cảm động trước tấm lòng của thầy cô, nhiều em đã quay lại lớp nhưng cũng chỉ được mấy hôm lại bỏ. Từ trước tới nay, cả 3 thôn có tổng cộng chưa đầy 50 học sinh các cấp học và chưa có em nào học lên được cấp 3.

Mơ có một cây cầu

Thương con, nhiều gia đình mua thùng phuy về gò thành một chiếc ghe làm phương tiện chở con sang sông đi học. Ghe vừa mỏng vừa nhỏ chỉ đủ cho 2 người ngồi và cũng chỉ qua được sông vào mùa khô. Mùa mưa lũ, thầy cô dạy tại các điểm trường làng nhiều khi phải ở đây cả mấy tháng trời vì nước sông chảy xiết.

Theo ông Đinh Phơi - Trưởng thôn 10, bình thường nếu đi qua sông Ba để lên thị trấn Kông Chro chỉ 11km, còn đi vòng ra đường thị xã An Khê thì tới 26km, nhưng mưa lớn quá cũng không đi được. Học sinh trong thôn vào mùa mưa lũ coi như ở nhà chơi vì giao thông bị cắt đứt hoàn toàn. Giáo viên cũng không thể sang điểm trường làng để dạy.

Để vận chuyển hàng nông sản qua sông khi nước sông Ba dâng cao, người dân có sáng kiến sử dụng 2 thùng phuy đậy kín nắp, gác 2 cây gỗ lên trên và dùng dây thừng buộc chặt lại. Sáng kiến này khá hiệu quả khi chiếc ghe tự chế này có thể chở 3-4 tạ hàng hóa vượt sông Ba an toàn.

“Người dân ở đây chỉ ước mong con cháu học hành đến nơi đến chốn nhưng đường sá thế này thì làm sao mà đến trường học được”- ông Phơi nói.

Nói về trở ngại của giao thông cách trở, ông Phạm Mạnh Hằng - Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã An Trung kể: “Có lần tôi sang xã họp bằng đò, nước chảy xiết quá khiến đò bị lật làm mất hết toàn bộ sổ sách, báo cáo. Nếu không biết bơi thì tôi cũng đã chết trôi lâu rồi".

Ông Hằng cho biết thêm, nghe nói nhà nước có dự án làm cây cầu này từ năm 2002, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đả động gì. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên nhưng đợi dài cả cổ… vẫn chẳng thấy cầu đâu

Thanh Luận. (Nguồn: danviet.vn)