Lạng Sơn áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp
03:32 AM 29/09/2010 | Lượt xem: 3747 In bài viết |Hiện hầu hết các loại giống, cây trồng, vật nuôi trong tỉnh Lạng Sơn đều được nông dân áp dụng khoa học công nghệ (KHCN), nên năng suất, chất lượng ngày càng tăng. Qua đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.
Nhà "khoa học" chân đất
Từ đầu tháng tám đến nay, đoạn đường 1A đi dọc lòng ải Chi Lăng, từ thị trấn Ðồng Mỏ đến khu chợ Ðồng Bành, hai ven đường, từ sáng đến chiều nông dân các xã trong vùng tấp nập đi trảy na về bán. Du khách có thể dừng xe thoải mái chọn na, những quả na tròn mập, còn tươi. Anh Hoàng Văn Châu, ở thôn Lăng Ðồn, xã Chi Lăng, nhà ngay sát cửa ải Chi Lăng, vừa đi hái na về, đặt gánh na xuống đã có mấy thương nhân chờ mua, sẵn sàng trả 30 đến 40 nghìn đồng cho một kg na. Vừa thở hổn hển, anh vừa nói: Na năm nay không được mùa như năm ngoái nhưng được giá, gia đình trồng hơn một nghìn cây, ước thu hơn 100 triệu đồng. Quả na mấy năm nay đẹp hơn, to hơn, không bị sâu, bệnh... có được như thế này là nhờ nhà "khoa học" chân đất Nguyễn Ðức Sự, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo phương pháp mới, mà nhiều người dân ở vùng na thường nói câu đầy hình ảnh, đó là cách làm "trẻ hóa vườn na".
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Ðức Sự ở thôn Than Muội (Quang Lang) để hỏi bí quyết trồng na và được biết: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cây na được một số người lấy giống từ Hoài Ðức (Hà Tây cũ), về trồng, không ngờ cây na lại bén rễ cho quả ngọt và sau ba năm trồng đã cho quả. Nhưng sau một thời gian phát triển, đến năm 2005, nhiều cây na bắt đầu xuất hiện sâu bệnh, quả nhỏ lại, năng suất thấp, nhiều hộ dân nản lòng không muốn trồng và chăm sóc. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Sự đã tự thử nghiệm đốn một số cây trong vườn, sau đó tiến hành chăm sóc, theo một lộ trình, sau một năm cây bị đốn đã mọc ra chồi non, ra hoa, sau đó thụ phấn, để lại một số lượng quả nhất định. Kết quả là cây na cho quả to hơn, đều hơn... Sau hai năm tiến hành thử nghiệm, được sự giúp đỡ của các cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, anh Sự đã tự biên soạn tài liệu: "Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na", dày 15 trang, phổ biến trong các hộ gia đình trồng na trong vùng, được nông dân tiếp thu, hưởng ứng. Phương pháp: "Trẻ hóa vườn na" giờ đây đã được các hộ học tập và làm theo. Không những thế, anh còn tự sáng chế ra dụng cụ, "hái na đa năng", vừa hái quả, vừa cắt tỉa lá, bảo đảm an toàn cho người hái, đồng thời tăng hiệu quả thu hoạch na nhanh... Nhờ có hướng dẫn trồng và chăm sóc cây na theo phương pháp mới, đến nay, diện tích trồng na ở huyện Chi Lăng không ngừng tăng, tạo thành vùng hàng hóa có diện tích hơn 1.176 ha, sản lượng năm nay ước đạt 6.350 tấn; tính bình quân một ha na, có 500 cây đang tuổi thu hoạch, đạt khoảng 75 triệu đồng/ha.
Cũng như anh Nguyễn Ðức Sự, anh nông dân Hoàng Văn Quảng, ở xã Ðồng Bục (Lộc Bình), trở thành người có " bàn tay vàng" trong kỹ thuật trồng dưa hấu. Mấy năm trước dưa hấu trong vùng chỉ trồng được trên ruộng lạ, trồng đến vụ thứ hai, dù cho mưa thuận gió hòa, chăm sóc chu đáo, dưa cứ héo rũ ra rồi chết. Không chịu bó tay, anh Quảng đã sang Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc), học hỏi cách ghép dưa hấu lên gốc cây bầu mà nông dân Trung Quốc đã ghép thành công. Sau sáu tháng học hỏi, trở về anh tự ghép dưa đạt tỷ lệ sống từ 95 đến 98%. Sau khi ghép thành công, tiếng lành đồn xa, mọi người trong thôn, trong xã kéo đến học hỏi. Anh Quảng chẳng giấu nghề, mà còn tận tình chỉ bảo mọi người, rồi người biết hướng dẫn cho người chưa biết. Chỉ vài vụ dưa, người dân ở các xã Lộc Bình và Cao Lộc sống dọc hai bên bờ sông Kỳ Cùng đã biết cách áp dụng kỹ thuật ghép dưa hấu với bầu. Hiện nay, về cơ bản bệnh chết rũ của dưa hấu đã được khắc phục, một sào được chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch gần mười tấn.
Hỗ trợ cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật
Những năm qua, Lạng Sơn đã có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng sản xuất hàng hóa. Nổi bật là chính sách trợ giá, trợ cước giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nông dân. Vì vậy đến nay, các xã đều có mạng lưới khuyến nông viên phủ kín; nhiều trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở từng thôn bản. Ðã có từ 70 đến 95% số diện tích gieo trồng được bà con đưa giống mới vào gieo trồng như lúa, ngô lai, đỗ tương... góp phần đưa tổng thu nhập trên diện tích gieo trồng đạt từ 50 triệu đồng/ha trở lên. Nhiều huyện đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Vùng khoai tây, dưa hấu ở huyện Lộc Bình, Cao Lộc; vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở Tràng Ðịnh; vùng na Chi Lăng, vùng quýt Bắc Sơn...
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Tiến sĩ Lường Ðăng Ninh cho biết: Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN tiên tiến vào sản xuất. Riêng trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tỉnh đã có 60 đề tài, dự án được áp dụng vào sản xuất, trong đó coi trọng khâu sản xuất giống, tuyển chọn nhiều giống cây con có giá trị kinh tế cao. Ðiển hình như: ứng dụng KHCN để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng cấy mô tế bào; tuyển chọn, xây dựng mô hình nhân giống và thâm canh cây lê (Tràng Ðịnh); mở rộng mô hình vườn cây đầu dòng phục vụ phát triển cây ăn quả; cải tạo thâm canh đàn bò ở Bắc Sơn; xây dựng mô hình sản xuất và chế biến chè Shan ở Mẫu Sơn (Lộc Bình)... Hợp tác với Trung Quốc cải tạo, nâng cao chất lượng cây hồi ở (Văn Quan); nghiên cứu côn trùng lạ gây hại ở cây na (Chi Lăng)... Các chương trình, đề tài khoa học đã từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc trong tỉnh.
Bên cạnh những nỗ lực ứng dụng KHCN vào sản xuất, nông nghiệp Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ, đó là: Trình độ dân trí của nông dân còn thấp, cho nên việc tiếp thu, ứng dụng KHCN tiên tiến gặp khó khăn. Người dân chưa đủ sức đầu tư mua giống, phân bón chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cho nên khi ứng dụng vào sản xuất gặp nhiều hạn chế. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ nông dân ứng dụng KHCN vào sản xuất. Ngoài ra, vấn đề chế biến, bao tiêu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, do thị trường đầu ra không ổn định, cho nên nhiều sản phẩm luôn gặp tình trạng được mùa thì mất giá... Các ngành chức năng cũng cần hoạch định, khuyến cáo người sản xuất, quy hoạch thành vùng và có cơ chế hỗ trợ hợp lý để người nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Theo Hùng Tráng (Báo Nhân dân)