Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Gia Lai
05:00 PM 02/12/2018 | Lượt xem: 6419 In bài viết |Chiều ngày 30/11, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh năm 2018. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Gia Lai.
Báo cáo của tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc cho biết: Năm 2018, tình hình KT-XH của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm xã hội tăng 8,0 %; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp dịch vụ, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông mới mới đạt được kết quả bước đầu, đến nay đã có 60 xã đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,34%, giảm 3% so với năm 2017; quốc phòng an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến...
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cũng đề xuất kiến nghị với Thủ tướng và đoàn công tác một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực KT-XH như: đầu tư khu lâm nghiệp công nghệ cao; phát triển các dự án năng lượng tái tạo; một số công trình, dự án có liên quan đến việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh; công trình thủy lợi Ia Mơ; dự án phát triển điện mặt trời; các công trình hạ tầng giao thông nối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn….
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Gia Lai đạt được trong năm 2018; nhất trí với phương hướng nhiệm vụ đề ra trong năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những mặt tồn tại tỉnh cần khắc phục đó là: Tốc độ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng; qui mô sản xuất còn nhỏ, tổ chức sản xuất chưa thành hành hóa lớn; một số vấn đề xã hội còn nhiều bất cập trong đó đáng lưu ý là tỉ lệ hộ nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn cao; đời sống của người nông dân (trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu..) thời gian qua gặp khó khăn do thiên tai, giá cả… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh, nhất là an ninh biên giới; mạnh dạn phát triển dịch vụ du lịch; phát triển công nghiệp có chọn lọc (chế biến sâu, năng lượng tái tạo...); sản xuất phải gắn với chế biến; chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng phải đảm bảo đời sống cho người dân giữ rừng. Tỉnh cũng phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế nhằm phát huy các tiềm năng thế mạnh sẵn có của tỉnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai
Liên quan đến vấn đề đồng bào DTTS ở Gia Lai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Gia Lai trong việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Tuy nhiên, tỉ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn còn cao, nhiều buôn làng có gần 100% hộ DTTS là hộ nghèo, có buôn làng nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nhưng chưa được di dời. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn còn nhiều. Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Gia Lai sớm khắc phục, giải quyết những vấn đề trên. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, phân bổ ngân sách để hỗ trợ đồng bào DTTS có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, rút dần khoảng cách về thu nhập đối với đồng bào người Kinh trên địa bàn.
Trong thời gian thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm tặng quà hai gia đình chính sách, người có công đang sinh sống trên địa bàn TP. PlâyCu.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng và các lễ hội văn hóa Tây Nguyên. Phát biểu tại buổi khai mạc, Thủ tướng cho rằng: Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với các lễ hội và nghi lễ của người đồng bào DTTS. Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản Văn hóa được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là niềm tự hào, là gia tài quý báu của người dân Tây Nguyên. Chính vì vậy, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vừa là chủ thể lưu giữ các giá trị truyền thống, vừa là đối tượng giữ gìn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Thủ tướng cho biết, vùng đất Tây Nguyên đang còn lưu giữ hơn 10.000 bộ chiêng, hàng trăm nghi lễ sử dụng cồng chiêng liên quan đến vòng đời người và chu kỳ cây trồng. “Chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống”, Thủ tướng nói.
Nếu như mọi thực thể sống đều cần tới một hệ sinh thái nhất định, thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp. Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. Cùng nhau gìn giữ môi trường tự nhiên, môi trường sống, bảo tồn hệ sinh thái và phát huy giá trị của văn hóa Tây Nguyên truyền thống cũng chính là giữ gìn môi trường sinh tồn của văn hóa cồng chiêng trong không gian đậm chất sử thi, giàu sắc thái huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên…
Tiết mục văn nghệ trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên
Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị Nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cấp hệ sinh thái du lịch. Phải làm sao để hai chữ Tây Nguyên luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên, của người Việt Nam; để Gia Lai và Tây Nguyên luôn là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư và du khách gần xa.
Vì thế, Thủ tướng mong muốn các tỉnh Tây Nguyên cần liên kết chặt chẽ để phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng. Biến tiềm năng thành thế mạnh, thúc đẩy văn hóa cồng chiêng trở thành niềm tự hào, là thương hiệu đặc trưng của du lịch Tây Nguyên. Từ đó, mang lại giá trị kinh tế để cho người dân Tây Nguyên được hưởng lợi từ giá trị của văn hóa cồng chiêng.
Lê Phương