Ủy ban Dân tộc họp Tổ Biên tập xây dựng Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW

02:46 PM 16/07/2019 |   Lượt xem: 3191 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cho biết: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, tình hình vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng DTTS và miền núi. Sản xuất bước đầu đã phát triển. Lĩnh vực giáo dục đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn. Các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ đói nghèo giảm nhanh hơn bình quân cả nước (tỉ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm, các huyện nghèo giảm từ 5-6%/năm). Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phấn khởi, ra sức thi đua lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Những kết quả to lớn đó đã góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW cũng còn một số hạn chế, thách thức. Do xuất phát điểm thấp nên vùng DTTS và miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất cả nước. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững, địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường. Tình trạng di cư tự phát, vấn đề đất ở, đất sản xuất chưa được giải quyết hiệu quả; cơ sở hạ tầng vùng DTTS còn rất thiếu và yếu kém. Đội ngũ giáo viên, y bác sỹ vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng; khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào DTTS còn hạn chế… Đây là những thách thức lớn đối với vùng DTTS và miền núi, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Tại phiên họp, các thành viên Tổ Biên tập cơ bản nhất trí, đánh giá cao sự công phu, cẩn trọng trong công tác xây dựng Dự thảo báo cáo và có nhiều ý kiến đóng góp. Cụ thể: Dự thảo báo cáo cần thống nhất tên gọi chuẩn một số từ chuyên môn, thuật ngữ chuyên ngành, bố cục, đảm bảo tính logic. Cần bổ sung kết quả thực hiện tại một số mục thuộc phạm vi các bộ, ngành, cần rà soát để tránh trùng lặp các kết quả. Cần bám sát Nghị quyết 24-NQ/TW để đánh giá đầy đủ, chi tiết, nêu đậm các tiêu chí, kết quả đã đạt được. Cần khẳng định, làm rõ nội dung an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi được đảm bảo, những vấn đề phức tạp được giải quyết cơ bản, là điều kiện quan trọng góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên Tổ Biên tập trong việc xây dựng Dự thảo báo cáo; đồng thời đề nghị Tổ Biên tập tiếp thu toàn bộ các ý kiến đóng góp tại buổi họp. Đặc biệt chú trọng bố cục, hình thức thể hiện Dự thảo báo cáo. Cần rút gọn phần I, tăng thêm nội dung phần II (Kết quả thực hiện Nghị quyết) với các mục tiêu, thành tựu cụ thể, chi tiết. Cần thể hiện rõ kết quả việc thực hiện các chính sách theo vùng, theo lĩnh vực (văn hóa, xã hội, kinh tế, xã hội) và theo dân tộc (dân tộc rất ít người, đặc biệt khó khăn). Dự thảo báo cáo cần bổ sung khía cạnh chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chú ý cách thể hiện, ngôn ngữ, cần căn cứ vào Nghị quyết 24-NQ/TW và văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII để hoàn thiện Dự thảo báo cáo trên tinh thần trách nhiệm nhất, tâm huyết nhất.

Từ khóa