Triển khai nhiều dự án giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Giang
10:57 AM 13/09/2017 | Lượt xem: 6683 In bài viết |Tỉnh Bắc Giang có 40 xã, 99 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 23 xã khu vực II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, trong đó có huyện Sơn Ðộng được đầu tư theo Nghị quyết số 30a/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước. Nhờ thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số của tỉnh giảm trung bình 3 đến 4%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn cao, chiếm 34,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 30,36% trong 60.525 hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.
Năm 2018, tỉnh Bắc Giang dự kiến đầu tư hơn 394 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương để thực hiện các dự án, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm đối với các xã đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm đối với các thôn đặc biệt khó khăn ở địa phương.
Từ nay đến hết năm 2017 và năm 2018, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh tập trung bám sát cơ sở, chủ động điều tra, nắm bắt tình hình đời sống người dân vùng dân tộc và miền núi, phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn vốn, chống lãng phí thất thoát. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản trong vùng dân tộc; xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện của từng vùng.
* UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kế hoạch việc phát triển hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển HTX để phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động trực tiếp vào sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; đồng thời tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về HTX, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, từ đó ngày càng có nhiều mô hình HTX mới hình thành. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có hơn 500 HTX và mỗi năm có khoảng 50 HTX thành lập mới; hình thành liên hiệp HTX theo quy định của Luật HTX năm 2012; giá trị sản xuất trong khu vực HTX tăng từ 5 đến 6%/năm; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo trình độ đại học đạt khoảng 20% và trình độ trung cấp đạt khoảng 70%; thu nhập bình quân của người lao động, thành viên HTX tăng 1,2 đến 1,5 lần so với năm 2016.
Ðể thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh xây dựng một số nhiệm vụ và giải pháp, trong đó triển khai chương trình hỗ trợ phát triển HTX, xây dựng và triển khai các mô hình HTX kiểu mới, HTX điển hình tiên tiến; xây dựng, phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế gắn với chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm".
PV