Niềm vui nhân đôi trong lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm Ninh Thuận
03:51 PM 23/10/2017 | Lượt xem: 4896 In bài viết |Lễ đón nhận và công bố Bằng chứng nhận Lễ hội Ka Tê và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức vào ngày 19 và 20/10, đúng dịp diễn ra Lễ hội Ka Tê 2017 tại địa phương.
Lễ hội Ka Tê Ninh Thuận được đánh giá là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm theo đạo Bà la môn. Về bản chất, Lễ hội Ka Tê tựa như Tết Nguyên đán của người Kinh. Trong dịp này, người Chăm sửa soạn nhà cửa, diện những bộ trang phục mới, tham gia lễ hội theo tín ngưỡng nhằm tưởng nhớ các vị thần, ông bà, tổ tiên; thăm hỏi họ hàng, cộng đồng, chúc nhau những lời tốt lành.
Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính nghìn năm tuổi, nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm, mà còn gắn với nhiều lĩnh vực khác của văn hoá: Đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để cộng đồng người nhân dân địa phương và những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca-múa-nhạc dân gian với phong cách độc đáo.
Lễ hội Ka Tê diễn ra trong 3 ngày, trong đó sự kiện chính diễn ra ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 dương lịch) trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp (Bi môn, Ka lan) đến làng (Paley) và từng gia đình (Nga wôm), tạo thành một dòng chảy dậm chất văn hóa. Lễ hội Ka Tê cũng đồng thời diễn ra ở 3 cụm đền tháp Chăm cổ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, trong cùng thời điểm. Các nghi lễ cơ bản giống nhau về hình thức, nội dung, nghi thức hành lễ.
Gốm Bàu Trúc
Ngoài Lễ hội Ka Tê, ghi danh trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này còn có Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).
Cùng với làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (một làng khác của thị trấn Phước Dân), làng gốm Bàu Trúc được coi là hai làng nghề cổ xưa nhất của Đông Nam Á, hình thành cách đây khoảng 500 năm và hiện còn bảo lưu cơ bản kỹ thuật chế tác hoàn toàn bằng thủ công truyền thống.
Nét độc đáo của nghề làm gốm Bàu Trúc là phương pháp thủ công chứa đựng tính nghệ thuật cao “Nắn bằng tay không bàn xoay”. Người phụ nữ Chăm dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những sản phẩm có hồn với mẫu mã phong phú và đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu dân sinh và tín ngưỡng, tôn giáo với dòng sản phẩm truyền thống (như thạp đựng nước, nồi nấu cơm, lò nấu bằng củi và bằng than, khoang đựng gạo, bắp, tượng thần Apsara, tượng thần Shiva, mô hình tháp...) vừa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với dòng sản phẩm mỹ nghệ (như bình phong thủy, bình đựng hoa và trang trí, phù điêu, đèn trang trí, 12 con giáp…).
Gốm được nung lộ thiên bằng rơm, bằng củi trên một bãi đất trống nên sản phẩm khi nung xong có độ chín không đều, chỗ đen đậm, chỗ vàng, tạo nên những sản phẩm gốm có tính độc bản cao, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa Chăm độc đáo và làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các cấp, các ngành và nhân dân làng nghề tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản; xem đây không những là tiềm năng, lợi thế mà còn là tiền đề, động lực để phát triển làng nghề nói riêng và kinh tế-xã hội địa phương. UBND huyện Ninh Phước cần có kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bảo đảm đạt hiệu quả.
(baochinhphu.vn)