Người chắp cánh âm nhạc Tây Nguyên
04:04 PM 27/05/2016 | Lượt xem: 3821 In bài viết |Tốt nghiệp cử nhân âm nhạc, chơi được nhiều loại nhạc cụ, hát hay, Kaly Tran (xã Đăk Năng, TP Kon Tum, Kon Tum) có đầy đủ tố chất và điều kiện để phát triển thành ca sỹ nhạc nhẹ, thế nhưng, anh lại lựa chọn công việc nghiên cứu, chế tác nhạc cụ dân tộc...
Là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Kaly nhận thấy văn hóa của cộng đồng mình đang dần bị mai một. Chính vì vậy, anh luôn trăn trở phải làm sao để có thể truyền đạt lại cho đồng bào, nhất là thế hệ trẻ, để họ biết yêu quý, trân trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Kaly chia sẻ: “Hầu hết những loại nhạc cụ truyền thống đều được làm từ nguyên liệu thiên nhiên như lô, tre, nứa… nhưng lại có thể cho ra những âm thanh rất hay, rất độc đáo. Chính vì vậy mình phải tìm mọi cách để gìn giữ nó”.
Trong những năm qua, Kaly dành phần lớn thời gian nghiên cứu và chế tác ra rất nhiều loại nhạc cụ bằng tre, nứa như: Bơng bôh, rong roih, đinh klơng… là những nhạc cụ đệm, hòa âm cùng đàn T’rưng, làm cho giai điệu T’rưng thêm sinh động, hấp dẫn... Đặc biệt, mới đây Kaly cùng cộng sự đã chế tạo ra bộ cồng chiêng mới trên nền tảng của bộ chiêng cũ.
“Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vốn chỉ sử dụng bộ cồng chiêng ngũ cung thang 5 âm nên tôi có ý tưởng muốn phát triển nó đầy đủ thang âm quốc tế, để có thể đánh được tất cả các bản nhạc. Bên cạnh ý nghĩa văn hóa, điều này còn góp phần quảng bá cho du khách trong và ngoài nước thấy rằng, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể tấu được rất nhiều bản nhạc hiện đại ngoài âm nhạc dân gian truyền thống”, Kaly cho biết.
Sau khi hoàn thành, bộ cồng chiêng cải tiến mang tên “Ding Dông” đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn cũng như lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Kon Tum.
“Bộ cồng chiêng cũ nhiều nhất chỉ có 12 - 13 chiếc, nhưng bộ cồng chiêng mới gồm 27 chiếc từ nhỏ đến lớn. Trong đó, 16 chiếc cồng là dùng đánh giai điệu chính, 11 chiếc còn lại dùng để đệm nhạc nền hay còn gọi là đệm tiết tấu. Chính vì vậy, bộ chiêng mới được nhận xét về âm thanh nghe rất hay và phong phú. Tiếng chiêng cất lên nghe êm tai và sôi động hơn nhiều so với bộ chiêng dân gian trước đây”, Kaly hồ hởi cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát triển nhiều loại nhạc cụ dân tộc, chàng trai Ba Na này còn có khả năng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại Kon Tum, anh được lãnh đạo Sở VHTT&DL giao trọng trách đạo diễn một số chương trình, trong đó có đêm khai mạc và lễ hội đường phố… Sau thành công của sự kiện, cái tên Kaly Tran lại được công chúng biết đến nhiều hơn. Anh cũng vinh dự khi là một trong những cá nhân được nhận bằng khen của Bộ VHTT&DL nhờ những thành tích xuất sắc của mình.
Theo: Quỳnh Như (baotintuc.vn)