Du lịch Tuyên Quang trên đường phát triển

12:32 PM 07/02/2018 |   Lượt xem: 3623 |   In bài viết | 

Lễ hội thành Tuyên đã trở thành “điểm nhấn” nổi bật của du lịch Tuyên Quang

Từ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch…

Được biết đến là điểm du lịch văn hóa lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang, những năm gần đây, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được quan tâm đầu tư, tôn tạo, qua đó tăng sức hấp dẫn đối với du khách thập phương. Với quy mô hơn 3.100 ha, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có tổng số 177 di tích, trong đó 40 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia; 30 di tích được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh… Nhờ phát triển du lịch nên đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn 11 xã nằm trong phạm vi Khu di tích đã được cải thiện rõ rệt. Loại hình du lịch cộng đồng (homestay) đang từng bước đem lại thu nhập ổn định cho người dân; những ngôi nhà sàn của bà con được tu sửa khang trang hơn nhưng vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống… Chỉ tính riêng trong năm 2017, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón gần 800 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, chiếm gần 50% lượng du khách đến với tỉnh Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn quan tâm phát triển loại hình du lịch tâm linh với việc thu hút hàng vạn du khách đến với các lễ hội, đền, chùa truyền thống, nhất là vào dịp đầu năm mới. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 70 đền, chùa với nhiều lễ hội truyền thống độc đáo, hấp dẫn như Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La… Đặc  biệt, Lễ hội thành Tuyên được tổ chức thường niên vào dịp Trung thu hàng năm đã trở thành một sản phẩm du lịch nổi tiếng của Tuyên Quang. Lễ hội thành Tuyên - Lễ hội được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận có mâm cỗ Trung thu lớn nhất và Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, hấp dẫn, lớn nhất Việt Nam, được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích. Được biết, tỉnh Tuyên Quang đang đặt mục tiêu xây dựng Lễ hội thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, một khách du lịch đến từ Quảng Ninh chia sẻ: “Hai năm nay, cứ tới dịp Trung thu là tôi lại đến Tuyên Quang để được tham gia không khí lễ hội độc đáo với hàng trăm chiếc đèn lồng đủ mọi màu sắc, hình dáng, kích thước… Lễ hội thành Tuyên đã trở thành nét riêng của du lịch Tuyên Quang”.

Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, Tuyên Quang còn phối hợp cùng tỉnh Bắc Kạn triển khai lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. UBND tỉnh Tuyên Quang mới đây cũng đã công nhận 4 điểm du lịch cộng đồng tại huyện Lâm Bình, bao gồm: Nà Tông, Nà Đông (Thượng Lâm), Nặm Đíp (Lăng Can), Nà Muông (Khuôn Hà).

Có thể thấy, các sản phẩm du lịch của tỉnh Tuyên Quang đã được phát triển theo hướng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, từ sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội; du lịch văn hóa lịch sử đến du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm, khám phá… Đặc biệt, trong năm 2017 vừa qua, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh và quy hoạch tổng thể 3 khu du lịch: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Na Hang. Qua đó, mở ra những điều kiện mới để tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh.

Các hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội ở Tuyên Quang luôn thu nhiều du khách tham gia

... Đến những con số ấn tượng

Có thể coi năm 2017 là một năm thành công trong việc đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch của tỉnh miền núi Tuyên Quang với những bước tiến mới về cả khai thác tuyến, điểm du lịch; thu hút đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng du lịch. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 285 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch; trong đó đã có khách sạn tương ứng với 4 sao, gần 200 nhà hàng lớn, 7 chi nhánh, công ty lữ hành du lịch, hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và du lịch khác như vận chuyển, bán vé máy bay… Trong năm 2017, ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang đã thu hút gần 1,6 triệu lượt du khách, đạt 105,3% kế hoạch, tăng 9,7%; doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 1.343 tỷ đồng, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2016.

Theo quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành du lịch của Tuyên Quang đã dần vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng. Nhờ thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác những tiềm năng của địa phương, hoạt động du lịch đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Được biết, thông qua thực hiện các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đến nay bước đầu đã có một số nhà đầu tư chiến lược bắt đầu thực hiện nhiều dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại Vincom shophouse, Dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup, Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang của Tập đoàn Mường Thanh, Dự án đầu tư vào khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình và Dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường…Cùng với đó, trong số 15 dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2020 cũng có nhiều dự án về phát triển du lịch như dự án xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm… Đây được xem là điều kiện thuận lợi để du lịch Tuyên Quang tiếp tục có những bước phát triển ấn tượng, bền vững; hướng đến mục tiêu thu hút trên 2,2 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020; tạo việc làm cho trên 16 nghìn lao động…

Trong thời gian tới, để du lịch thực sự phát triển, trở thành một trong 3 lĩnh vực đột phá như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quy hoạch phát triển du lịch; quảng bá, xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư; thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng du lịch của các địa phương; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch… Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển./.

dangcongsan.vn