Ô nhiễm không khí - ô nhiễm toàn cầu
03:37 PM 30/09/2016 | Lượt xem: 5360 In bài viết |Một mô hình mới đánh giá chất lượng không khí được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Đại học Bath tại Anh phát triển khẳng định rằng 92% dân số thế giới đang phải sống trong các địa điểm nơi không khí hít thở có chất lượng quá kém.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 27/9, Phó Tổng giám đốc WHO Flavia Bustreo chỉ rõ: “Mô hình mới của WHO cho thấy các quốc gia mà tại đó chúng tôi tìm thấy nhiều khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí và là cơ sở để theo dõi các tiến bộ được thực hiện trong cuộc chiến chống lại hiện tượng này”.
Dựa trên những dữ liệu thu được từ các biện pháp thực hiện qua vệ tinh, các mô hình vận tải hàng không và hơn 3.000 màn hình của trạm quan sát mặt đất đặt tại khu vực thành thị hay nông thôn, mô hình mới của WHO nhấn mạnh tới bản đồ tương tác giữa các khu vực, đặc biệt tại những quốc gia không tôn trọng các giới hạn do WHO thiết lập về chất lượng không khí.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 3 triệu người tử vong mỗi năm có liên quan tới việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí bên ngoài, và ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể gây ra tử vong. Vào năm 2012, theo đánh giá, 6,5 triệu trường hợp tử vong (chiếm khoàng 11,6% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới) có liên quan tới ô nhiễm không khí bên ngoài và ô nhiễm không khí trong nhà.
Mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao tại khu vực Đông Nam Á và phía Tây Thái Bình Dương; trong đó Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
WHO nhấn mạnh ngoại trừ khu vực châu Mỹ, tất cả các khu vực khác trên thế giới đều có dưới 20% dân số sống ở những nơi có chất lượng không khí đạt chuẩn của WHO.
Một trong những mặt tồi tệ nhất của ô nhiễm không khí,đó là các hạt phân tử nhỏ hơn 2,5 micron (PM2,5), bởi chúng chứa nhiều chất độc hại như sulfate, bụi than đen và có thể thâm nhập sâu vào phổi và trong hệ thống tim mạch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.
Theo bà Flavia Bustreo, ô nhiễm không khí tiếp tục ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của phần dân số dễ bị tác động nhất, như phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. “Để có sức khỏe tốt, phải được hít thở một bầu không khí trong lành, từ hơi thở đầu tiên cho đến cuối cùng” – bà nhấn mạnh.
Các cách thức vận tải không hiệu quả, chất đốt của các hộ gia đình, việc đốt rác thải, trung tâm điện chạy bằng than và hoạt động công nghiệp là những nguồn chính gây ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, hoạt động của con người không phải là nguồn duy nhất dẫn tới tình trạng ô nhiễm. Các cơn bão cát, đặc biệt là trong những khu vực nằm gần một sa mạc, cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng không khí.
Giám đốc Văn phòng sức khỏe cộng đồng, các yếu tố quyết định của xã hội và môi trường đối với sức khỏe của WHO, bà Maria Neira đánh giá mô hình mới này là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng những đánh giá chắc chắn hơn liên quan tới hơn 6 triệu người tử vong – tương đương với 1 trong số 9 người tử vong trên thế giới – bắt nguồn từ việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài.
Nhấn mạnh điều cấp thiết là phải có một hành động nhanh chóng ứng phó với ô nhiễm không khí, bà Neira nêu rõ: Ngày càng nhiều thành phố đang tiến hành giám sát ô nhiễm không khí, các dữ liệu vệ tinh cũng toàn diện hơn và nhiều tiến bộ được hoàn thành trong việc cụ thể hóa các đánh giá về sức khỏe tương ứng. “Đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là các hệ thống vận tải bền vững hơn, quản lý chất thải rắn, sử dụng bếp và các loại nhiên liệu sạch cho các hộ gia đình cũng như năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải công nghiệp" – bà Neira chỉ rõ.
Vào tháng 9/2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã ấn định mục tiêu trong các Mục tiêu Phát triển bền vững là giảm đáng kể vào năm 2030 số ca tử vong và bệnh tật do ô nhiễm không khí./.
Theo: Khánh Linh (dangcongsan.vn)