Tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, vùng sâu, vùng xa thực hiện quyền tiếp cận thông tin
04:07 PM 17/08/2017 | Lượt xem: 6383 In bài viết |Luật Tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13 được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 4 tháng 6 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Đây là đạo luật rất quan trọng tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Để bảo đảm tính thống nhất trong việc triển khai các biện pháp thi hành Luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp; thực hiện trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhiệm vụ "hướng dẫn cơ quan, tổ chức, đơn vị, công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin" ; dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin gồm 15 điều quy định cụ thể một số biện pháp bảo đảm thi hành quyền tiếp cận thông tin.
Về các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Nghị định dự kiến quy định theo hướng: Đối với người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Nghị định quy định việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện thực tế của địa phương, căn cứ vào loại thông tin, cơ quan nhà nước trên địa bàn quyết định lựa chọn một hoặc một số phương thức tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin phù hợp.
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc xây dựng hệ thống thông tin công cộng, nâng cấp, đầu tư các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho hoạt động cung cấp thông tin của địa phương hoạt động cung cấp thông tin ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về tiếp cận thông tin.
Đối với người khuyết tật, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin như: cơ quan cung cấp thông tin đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp với người yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí thiết bị nghe - xem và các thiết bị phụ trợ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ quan; bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích và giúp đỡ người khuyết tật khi có khó khăn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, đặc biệt khi người khuyết tật gặp khó khăn trong việc điền thông tin, mô tả thông tin, ký Phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người khuyết tật,...
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định việc cử người đại diện của tổ chức để thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin của nhiều người trong tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp của mình có cùng yêu cầu cung cấp thông tin giống nhau; trách nhiệm cụ thể của người đại diện để thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin cho nhiều người. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu cho công dân thông qua tổ chức được thực hiện như trình tự cung cấp thông tin cho công dân.
Để tạo điều kiện cho công dân trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 của Luật Tiếp cận thông tin, dự thảo Nghị định cũng quy định Mẫu văn bản chấp thuận đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan và để đảm bảo tính pháp lý đối với văn bản chấp thuận, dự thảo Nghị định yêu cầu văn bản chấp thuận phải được chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Với mục đích làm sạch các thông tin trước khi cung cấp cho công dân, đảm bảo các thông tin cung cấp cho công dân không thuộc thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận có điều kiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của đơn vị chủ trì tạo ra thông tin rà soát, xác định nội dung thông tin trong hồ sơ, tài liệu thuộc thông tin không được tiếp cận, thông tin được tiếp cận có điều kiện. Trên cơ sở đó, đơn vị đầu mối cung cấp thông tin có trách nhiệm loại bỏ các nội dung thông tin mang tính bí mật trước khi cung cấp cho công dân.
Nhằm làm rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối cung cấp thông tin, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin, dự thảo Nghị định đã xác định trách nhiệm cụ thể. Bên cạnh đó, xét về tính chất công việc có sự tương đồng của cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin với người tiếp công dân, dự thảo Nghị định cũng quy định về chế độ bồi dưỡng của cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin như đối với người tiếp công dân. Ngoài việc được hưởng chế độ bồi dưỡng, để nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ về cung cấp thông tin, tăng cường nhận thức về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan, dự thảo Nghị định cũng quy định bồi dưỡng đối với cá nhân đầu mối cung cấp thông tin, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị tham gia vào việc cung cấp thông tin…/.
XT