Ôn định cuộc sống cho gần 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai
10:54 AM 29/05/2017 | Lượt xem: 2658 In bài viết |Sau hơn 4 năm triển khai dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư, đến nay, tỉnh Gia Lai đã hoàn thành 10 dự án định canh, định cư tập trung và 94 dự án định canh, định cư xen ghép cho gần 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.
Về nơi ở mới với đầy đủ các điều kiện sống thiết yếu, các hộ dân đều rất vui mừng và yên tâm cùng nhau chăm chỉ làm ăn để vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Đối với 10 dự án định canh, định cư tập trung cho hơn 660 hộ dân, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 52 tỷ đồng xây dựng hạ tầng san gạt 24 ha đất ở tạo nền cho các hộ dân đến định canh, định cư; khai hoang 29 ha đất sản xuất; xây dựng hơn 13.000 km đường giao thông, 10 công trình điện sinh hoạt, 21 công trình nước sinh hoạt; xây mới 6 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 lớp học, nhà mẫu giáo và hỗ trợ trực tiếp cho 420 hộ dân vượt qua khó khăn.
Buôn H’Lang, xã ChưRCăm, huyện Krông Pa là một trong những khu tái định canh, định cư tập trung hiệu quả với việc xây dựng hạ tầng gắn với khu vực sản xuất tạo tiền đề thuận lợi để các hộ dân phát triển kinh tế hiệu quả, sớm xóa đói, giảm nghèo. Được hình thành từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ đồng, buôn H’Lang đang dần đổi thay diện mạo. Các hộ dân trong buôn đều đầu tư xây cọc bê tông, làm hàng rào lưới thép gai, tạo nên cảnh quan khang trang, sạch đẹp.
Anh Ksor Tươi, ở buôn H’Lang, vui mừng cho biết: Trước đây, làng cũ bị sạt lở nên cuộc sống khó khăn lắm. Từ khi chuyển về đây, cuộc sống yên tâm hơn, buôn bán cũng tốt hơn. Buôn mới được đầu tư đầy đủ đường giao thông, điện thắp sáng, trường học cho con em nữa nên cuộc sống rất thuận lợi.
Ông Nay Trinh, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pa, cho biết: Trước đây, bà con ở khu vực làng cũ gặp rất nhiều khó khăn về đất ở cũng như vườn nhà rất chật hẹp do bị sạt lở. Về nơi ở mới, bà con rất phấn khởi vì được đầu tư đầy đủ hạ tầng thiết yếu phục vụ tốt cuộc sống hàng ngày, nơi ở thông thoáng hơn, đặc biệt rất gần khu vực sản xuất nên rất thuận lợi trong phát triển kinh tế.
Đối với 94 dự án định canh, định cư xen ghép cho 2.260 hộ dân, tỉnh Gia Lai cũng đã đầu tư kinh phí gần 60 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu như xây dựng hơn 37 km đường giao thông, 4 công trình nước sinh hoạt, 12 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 lớp học nhà mẫu giáo và hỗ trợ trực tiếp cho 839 hộ dân.
Ông Tạ Chí Khanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho biết: Từ năm 2008 đến nay, huyện Krông Pa đã hoàn thành 10 điểm định canh, định cư xen ghép cho trên 270 hộ và 2 điểm định canh, định cư tập trung cho hơn 500 hộ. Các điểm định canh, định cư đều được đầu tư đầy đủ, góp phần ổn định cuộc sống và bà con yên tâm phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các dự án, nguồn vốn đầu tư còn dàn trải, kéo dài nhiều năm, thậm chí có dự án bị cắt vốn đến nay vẫn chưa bố trí được vốn, gây rất nhiều khó khăn cho địa phương.
Theo ông Tạ Chí Khanh, đồng bào J’rai ở đây sống theo cộng đồng nhà dài tập trung nên khi phát triển thêm nhân khẩu thì họ muốn tách hộ. Do đó, để giải quyết đất sản xuất cũng như đất ở là hết sức khó khăn. Ông đề nghị Trung ương xem xét tiếp tục thực hiện Quyết định 33 về định canh, định cư để bố trí định canh, định cư xen ghép cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là với những người ở độ tuổi trưởng thành và lập gia đình...
Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013 – 2016 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Gia Lai được phân bổ hơn 123 tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án định canh, định cư tập trung và 100 dự án định canh, định cư xen ghép.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, các dự án định canh, định cư đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư có cuộc sống ổn định. Trong đó phải kể đến việc quan tâm đầu tư nâng cấp và xây mới hạ tầng cơ sở thiết yếu như trường học, nước sinh hoạt, điện, đường giao thông…cùng với nhiều mô hình kinh tế áp dụng khoa học kỹ thuật được chuyển giao đưa vào sản xuất đã góp phần quan trọng để bà con vững tin xây dựng cuộc sống mới tiến tới xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án vẫn còn một số tồn tại như định mức hỗ trợ thấp, phân bổ kinh phí thực hiện chậm, một số hạng mục hạ tầng chưa phát huy được hiệu quả, một vài địa phương còn lúng túng trong rà soát, xây dựng đề án không đúng với yêu cầu… cần phải được khắc phục triệt để trong thời gian tới.
(Nguồn: TTXVN)