Đất sản xuất: Nền tảng để an cư và thoát nghèo

02:08 PM 21/09/2019 |   Lượt xem: 2165 |   In bài viết | 

Chuyển đổi ngành nghề chưa hiệu quả

Giai đoạn 2017-2020, nhiều địa phương khi thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, ĐSX cho đồng bào DTTS đều giảm tối đa số hộ được hỗ trợ ĐSX và tăng số hộ được hỗ trợ CĐNN (mua nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, học nghề…).

Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam cũng cho thấy rõ thực trạng này. Theo đó, giai đoạn 2012-2018, dư nợ trong toàn hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam phần lớn tập trung ở nội dung hỗ trợ CĐNN, còn dư nợ tạo ĐSX là rất khiêm tốn.

Cụ thể, tính đến 31/12/2018, tổng dư nợ cho vay theo Quyết định 755/QĐ-TTg của đơn vị là 701 tỷ đồng, với 47.882 hộ vay. Trong đó, có 47.832 hộ vay CĐNN, dư nợ 700,2 tỷ đồng; chỉ có 50 hộ vay tạo ĐSX, dư nợ 800 triệu đồng.

Thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg, đến thời điểm tháng 7/2019, toàn hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam có 12.404 hộ vay, tổng dư nợ 485 tỷ đồng. Nhưng chỉ có 42 hộ vay để tạo ĐSX, dư nợ 1,4 tỷ đồng; còn lại 12.362 hộ vay để CĐNN, dư nợ 483,6 tỷ đồng.

Trong hoàn cảnh khó giải quyết nhu cầu ĐSX, việc hỗ trợ CĐNN cho đồng bào DTTS thiếu ĐSX là hợp lý. Nhưng nghịch lý ở chỗ, hầu hết ngành nghề chuyển đổi muốn phát huy tác dụng, tạo thu nhập cho bà con thì điều kiện đi kèm là phải có ĐSX (!).

Gia đình chị Kpa Xôl, ở làng Boong Nga, xã Ia O, huyện Chư Prông (Gia Lai) có 1ha đất trồng cà phê, do thiếu nông cụ hỗ trợ nên thu nhập rất thấp. Từ 5 triệu đồng hỗ trợ CĐNN theo Quyết định 755/QĐ-TTg, chị mua 4 cuộn ống nước tưới, bỏ thêm tiền để mua máy bơm nên công lao động giảm đi rất nhiều, thu nhập được nâng lên nhờ cây cà phê được tưới đủ nước, cho năng suất cao hơn.

Nhưng không phải ai cũng có đất để phát huy tác dụng của nông cụ, máy móc hỗ trợ. Gia đình anh Ngân Văn Thiết, ở bản Khổi, xã Tam Thái (Tương Dương, Nghệ An) là một ví dụ.

Tháng 3/2015, gia đình anh Thiết được hỗ trợ mua một máy tuốt lúa thủ công, nhưng không sử dụng được vì gia đình anh không có đất trồng lúa. Bản Khổi cũng không có nhiều đất canh tác, nên bà con trong bản không ai thuê anh làm dịch vụ tuốt lúa. Vì thế, máy tuốt lúa “đắp chiếu”, còn vợ chồng anh Thiết vẫn phải rời quê đi làm thuê kiếm sống.

Đất sản xuất vẫn là nền tảng để giảm nghèo

Không chỉ riêng hạng mục hỗ trợ nông cụ, máy móc mà việc hỗ trợ CĐNN sang chăn nuôi, học nghề… cũng khó phát huy hiệu quả nếu thiếu ĐSX. Do đặc thù chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp nên hầu hết đồng bào DTTS đều lựa chọn học những nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng những nghề này bắt buộc phải có ĐSX.

Nêu lên như vậy để thấy, để giảm nghèo vùng đồng bào DTTS thì việc hỗ trợ ĐSX vẫn là quyết định. ĐSX là nền tảng để các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đạt được mục tiêu cao nhất là tạo thu nhập ổn định, từ đó đồng bào DTTS có điều kiện để vươn lên.

Như các kỳ báo trước đã phản ánh, quỹ đất ở các địa phương không phải là không còn mà đang “hụt” do quản lý, sử dụng lãng phí. Do đó, để giải quyết bài toán thiếu ĐSX của đồng bào DTTS, thiết nghĩ giải pháp trọng tâm hiện nay là các ngành chức năng, các địa phương phải quyết liệt trong việc thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông, lâm trường; kiên quyết thu hồi những diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả để giao cho địa phương quản lý, làm cơ sở để cấp ĐSX cho người dân.

Đây là vấn đề quan trọng, liên quan tới đời sống của hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo, bởi vậy nhất thiết các ban, ngành, địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt; chỉ đạo sâu sát, cụ thể, sáng tạo để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, giúp đồng bào yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững vùng DTTS và miền núi.