Không cát cứ thông tin, xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ
03:33 PM 19/08/2020 | Lượt xem: 5306 In bài viết |Các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích, Thủ tướng nêu rõ, thông tin dữ liệu cần chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sáng nay, 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia - những dấu ấn mới trong xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Thông qua Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc và chỉ đạo trực tiếp với lãnh đạo một số địa phương, cơ quan tại các điểm cầu: Bình Phước, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn.
Kết nối với Trung tâm Giám sát, điều hành tỉnh Bình Phước, từ Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu kép, gồm tình hình thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra trong năm như tăng trưởng trên 8%, thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng. Bình Phước thực hiện nhất quán phương châm hành động “2 nhanh” và “3 tốt”: nhanh chóng giải phóng mặt bằng và nhanh chóng thực hiện các thủ tục đầu tư; chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt. Tỉnh cho biết, đã quyết liệt trong phòng chống dịch, đến nay, chưa phát hiện ca dương tính COVID-19 trên địa bàn.
Tiếp tục kết nối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng cho rằng, đây là một trong những địa phương dẫn đầu về triển khai Chính phủ điện tử; yêu cầu tỉnh báo cáo tóm tắt về tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2020, trong đó có tình hình thu NSNN, giải ngân vốn đầu tư công và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, đến nay, tỉnh chưa có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tỉnh không chủ quan, tiếp tục tập trung sức lực để ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Với du lịch là ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng, tăng trưởng của Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19. Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, sẽ phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm của tỉnh, của quốc gia hoàn thành theo tiến độ trong đó có dự án giải tỏa, di dân khỏi di tích Kinh thành Huế.
Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng kết nối với điểm cầu Trung tâm điều hành tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm điều hành TP. Móng Cái.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định, tỉnh kiên định mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra, sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số, chỉ tiêu thu ngân sách đạt 100%. Tỉnh sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.
Cho rằng Quảng Ninh là địa phương dễ bị ảnh hưởng của COVID-19, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Với quy mô kinh tế lớn, tỉnh cần nỗ lực đóng góp cho quốc gia, nhất là thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Tỉnh cần đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 cùng với phát triển kinh tế - xã hội.
Kết nối với Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng đã trực tiếp nghe Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn - Chỉ huy trưởng Trung tâm và kíp trực báo cáo tình hình.
Trong 24h qua, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin về 10 sự cố thiên tai, tai nạn thủy nội địa, làm chết 5 người và tham mưu cho lãnh đạo điều động trên 500 lượt người, trong đó có 300 chiến sĩ tham gia ứng phó.
Thay mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhiệt liệt biểu dương Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều đóng góp trong công tác giảm thiểu sự cố, điều phối tìm kiếm, cứu nạn đạt hiệu quả tích cực, Thủ tướng nhấn mạnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, “đòi hỏi các đồng chí phải luôn sẵn sàng, ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ”. Thủ tướng yêu cầu được kết nối trực tiếp một điểm ứng trực để xem khả năng sẵn sàng ứng phó, triển khai cứu hộ, cứu nạn.
Cám ơn Thủ tướng Chính phủ đã động viên cán bộ, chiến sĩ tại Trung tâm, Thượng tá Nguyễn Ngọc Sơn xin hứa dù trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào luôn duy trì nghiêm kíp trực, chủ động nắm bắt vụ việc ứng phó hiệu quả với các tình huống xảy ra và thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, kết nối với tàu Cảnh sát biển 8003.
Theo báo cáo của Thuyền trưởng Tàu 8003 Lại Vĩnh Đại, tàu CSB 8003 đang phối hợp với các lực lượng luyện tập nội dung tìm kiếm cứu nạn tại khu vực vùng biển Hải Phòng, quân số 25 đồng chí. Lực lượng trên tàu 8003 sức khỏe tốt, luôn yên tâm công tác sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghe báo cáo từ tàu cảnh sát biển 8003 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thứ 1000: Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và nộp tờ khai đăng ký ô tô trực tuyến; dịch vụ công số 999: Liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động; và dịch vụ công thứ 998: Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Hướng tới một "Việt Nam số"
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kiện này có ý nghĩa lớn khi được tổ chức đúng vào dịp VPCP tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống, Đại hội thi đua yêu nước; cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Qua ý kiến của các đại biểu, của các đối tượng thụ hưởng dịch vụ công, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực của VPCP, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và các bộ, cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai, đưa vào khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành.
Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp của các tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Công ty Samsung Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chuyên gia trong nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn các chức năng, tính năng, giải pháp thiết lập Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; ghi nhận, biểu dương Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đã xây dựng Hệ thống theo hình thức doanh nghiệp đầu tư và cho thuê lại dịch vụ, nhằm phục vụ tốt hơn công tác tham mưu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nêu rõ, xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội và là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. “Do đó, chúng ta cần tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ rằng năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số"".
Nghi thức khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phải tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về công nghệ
Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề với các bộ, địa phương, cơ quan. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn cải cách quản trị công với chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Thông tin dữ liệu phải thống nhất, theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, đem lại hiệu quả cao nhất.
Thúc đẩy mạnh mẽ cán bộ, công chức làm việc trên môi trường mạng; đào tạo, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, trang bị kỹ năng số cần thiết để có những thay đổi nhanh chóng; ngày càng thích ứng với môi trường làm việc trên mạng. “Trong thời gian tới, công chức, viên chức Nhà nước phải là những người tinh thông nghiệp vụ và giỏi về công nghệ”.
Trong tương lai không xa, chúng ta phải hướng tới, xây dựng hệ thống thông tin chia sẻ liên chính phủ trên một số lĩnh vực với các nước trên thế giới; đặc biệt đối với các nước Cộng đồng ASEAN. Phát triển Chính phủ điện tử có kết nối, liên thông, tương tác quốc tế, được xem là công cụ quan trọng giúp tăng cường ngoại giao và thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế.
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành việc tích hợp các dịch vụ công thiết yếu như xuất nhập khẩu, đất đai, xây dựng, khoáng sản, thuế, xử lý vi phạm hành chính, viện phí, học phí… Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tính năng của Cổng để bảo đảm phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Mục tiêu là phải hoàn thành chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
Các công ty công nghệ thông tin đặc biệt là các Tập đoàn VNPT, Viettel cần phải tiếp tục cố gắng vươn lên, đồng hành, góp phần giúp các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước các cấp trong xây dựng Chính phủ số, cung cấp những giải pháp kỹ thuật tối ưu, an toàn, an ninh nhất, những hệ thống thông tin của người Việt, phục vụ người Việt và bảo đảm tính tự chủ của các hệ thống.
Các bộ, các ngành, các địa phương không được cát cứ thông tin, không được làm đẹp số liệu để lấy thành tích, Thủ tướng nêu rõ, thông tin dữ liệu cần được chính xác, tin cậy, minh bạch, thống nhất và cần đẩy mạnh số hóa liên thông, chia sẻ thông tin phải hướng tới xây dựng Chính phủ số liêm chính, minh bạch, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các bộ, các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải chuẩn hóa, điện tử hóa hơn 200 chế độ báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội để tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành chuẩn hóa, số hóa kiểu mẫu kết nối tích hợp các chỉ tiêu KTXH lên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Thủ tướng giao VPCP chủ trì phối hợp với các bộ, các ngành, các địa phương lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu phục vụ chỉ đạo điều hành hằng ngày của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cung cấp trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo điều hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
Thủ tướng yêu cầu VPCP phải sắp xếp lại bộ máy nhân sự để quản lý vận hành trung tâm này phù hợp, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu việc đưa vào hoạt động Hệ thống báo cáo thông tin quốc gia, Trung tâm Thông tin chỉ đạo, điều hành, không hình thành một đầu mối tổ chức mới, không tăng biên chế theo tinh thần của Nghị quyết 18 của Trung ương.
Sau lễ khai trương, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành phải được vận hành hoạt động tốt và phát huy tác dụng tốt. “Thủ tướng sẽ kiểm tra xem nó hoạt động như thế nào và hằng ngày Thủ tướng nhận được những báo cáo nào, những chỉ tiêu nào mà thể hiện qua Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia này, nhất là những chỉ tiêu quan trọng của đất nước để Thủ tướng và các thành viên Chính phủ biết, để điều hành kịp thời hơn”.
(baochinhphu.vn)