Kéo dài hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2025
03:53 PM 22/12/2020 | Lượt xem: 2539 In bài viết |Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" đến năm 2025.
Đề án được thực hiện từ năm 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) góp phần thực hiện thành công, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Đề án phấn đấu đến năm 2025, thu hút tối đa các tiềm năng nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025. Vận động, thu hút đầu tư quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN dựa trên nhu cầu và thực tiễn, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, từng dân tộc, trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, bảo vệ môi trường.
Vận động hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân vùng dân DTTS&MN; công chức, viên chức thực hiện công tác dân tộc các cấp từ trung ương tới địa phương.
Đối tượng thụ hưởng của Đề án là vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Các lĩnh vực ưu tiên của Đề án gắn với nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030.
Cụ thể, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS&MN nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS; đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em…
(baotintuc.vn)