Thủ tướng: Tập trung hơn nữa thực hiện tái cơ cấu kinh tế

06:30 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 1850 |   In bài viết | 

Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung hơn nữa cho việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường tài chính.

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong 2 ngày (30/9-1/10), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9/2015.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn lại 9 tháng đầu năm 2015, với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả hết sức phấn khởi và toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 14 chỉ tiêu được đề ra, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, chỉ có một chỉ tiêu là độ che phủ rừng không đạt, song theo trình bày của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thì đây là do cách tính bởi diện tích trồng rừng vẫn tăng lên.

“Những kết quả đạt được là sự nỗ lực chung, rất đáng mừng, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn không dự báo trước được và không lường trước được, ví dụ như những diễn biến phức tạp về vấn đề giá dầu hay việc Trung Quốc điều chỉnh tỉ giá đồng Nhân dân tệ… Đây là những cái tác động tức thì đến nền kinh tế nước ta và chúng ta đã ứng phó chính sách hết sức linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện đúng trên tinh thần bám sát các Nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và theo như kết quả đạt được tính đến hết tháng 9 thì khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu là khả thi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung từ nay tới cuối năm là phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng cao nhất để đạt những kết quả cao hơn nữa; không bao giờ được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được.

“Ví dụ như chỉ tiêu có tính chất tổng hợp và bao trùm là tăng trưởng GDP đề ra là 6,5%, kết quả thực hiện qua 9 tháng thấy có khả năng đã đạt được, nhưng không thể chủ quan thỏa mãn và không thể dừng lại ở đó mà phải phát huy hơn nữa những cơ hội, thuận lợi và kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao hơn, điều này đặc biệt quan trọng bởi việc đạt tăng trưởng cao hơn có ý nghĩa rất lớn cho kế hoạch của cả 5 năm (2011-2015) và nếu năm nay đạt trên 6,5%, thì bình quân lại trong 5 năm chúng ta đạt suýt soát 6%”, Thủ tướng nói.

Với tinh thần như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng thực hiện tốt hơn nữa công tác dự báo; theo dõi sát diễn tình hình để phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời. Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy hơn nữa phát triển công nghiệp, nông nghiệp bởi đây chính là nền tảng, là đời sống và thu nhập của người dân và cũng là để đóng góp cho tăng trưởng, cho bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với đó là đặc biệt quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực được coi là thế mạnh của đất nước như gạo, chè, cà phê, cao su, tôm, cá… Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách, tìm mọi cách để phát triển du lịch bởi hiện nay hoạt động du lịch có sự cạnh tranh hết sức gay gắt giữa các quốc gia, nếu không cạnh tranh, không có sự cải thiện thì sẽ bị sụt giảm, bị tụt lùi so với các nước.

Đồng thời, tập trung hơn nữa cho thực hiện tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, ổn định của thị trường tài chính. Tái cơ cấu kinh tế phải gắn bó chặt chẽ với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; dứt khoát phải đạt được những tiến bộ, những dấu ấn về cải cách hành chính ở những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế như cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm... Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Thủ tướng lưu ý Bộ LĐTB&XH khẩn trương đưa ra các tiêu chí về giảm nghèo bền vững (giảm nghèo đa chiều) trong giai đoạn mới để trình Chính phủ xem xét, quyết định và đưa vào thực hiện từ năm 2016 trên tinh thần tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo thu xếp và cân đối đủ nguồn lực để thực hiện.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo tiến độ của các dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả hơn nữa chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, trung thực, khách quan cho báo chí, dư luận về mọi mặt tình hình kinh tế-xã hội, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực thiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra.

Về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Kế hoạch này đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và thảo luận nhiều lần. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý, trong đó có các ý kiến thảo luận tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến đóng góp, cập nhật thêm thông tin, số liệu, các ý kiến đánh giá về các mặt đạt được và chưa được theo đúng bối cảnh tình hình; chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại nhằm đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả.

Về vấn đề ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong 5 năm tới phải cơ cấu lại ngân sách theo hướng tích cực hơn. Chi thường xuyên phải giảm xuống, chi đầu tư phải tăng lên, dứt khoát bội chi là để đầu tư; đồng thời phải đề ra các giải pháp hiệu quả để tăng thu nội địa; bảo đảm an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế; việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước cũng như chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật, đảm bảo tiến độ của các dự án luật, pháp lệnh

Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong 9 tháng đầu năm 2015, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động ứng phó của các bộ, ngành và địa phương, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp; tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; thị trường ngoại hối, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định; tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt; thu hút FDI đạt kết quả khá; xuất khẩu duy trì được đà tăng trưởng; an sinh xã hội được đảm bảo; các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả tích cực…

Từ sự phân tích, đánh giá thực trạng, nhận định và dự báo tình hình, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát sự triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng của đất nước trong thời gian tới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập siêu; quyết liệt hơn trong tái cơ cấu kinh tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; dành nguồn lực thỏa đáng cho phát triển nhà ở xã hội; chú trọng thực hiện tốt các chính sách phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học-công nghệ; đẩy mạnh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử; chủ động hội nhập quốc tế và khai thác hiệu quả những cơ hội phát triển từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết mang lại…

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đã dành nhiều thời gian tập trung phân tích, dự báo triển vọng phát triển và thảo luận về dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, trong đó cơ bản bày tỏ đồng tình với mục tiêu tổng quát mà dự thảo Kế hoạch nêu.

Đó là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, xu hướng tốt lên của kinh tế trong năm 2015 ngày càng thấy rõ rệt; việc thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra cho cả năm là khả thi. Đặc biệt, chúng ta đã chủ động ứng phó hiệu quả trước những biến động kinh tế phức tạp trên thế giới và trong khu vực, nhất là vấn đề biến động về giá dầu.

Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo và chủ động hơn nữa trong xây dựng các kịch bản, ứng phó hiệu quả với những diễn biến tình hình; đồng thời trong Kế hoạch 2016-2020 cần hết sức quan tâm xây dựng chiến lược cơ cấu lại ngân sách và tái cơ cấu nợ công, đảm bảo an toàn nợ công; thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường vốn, đưa thị trường này ngày càng phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và đi liền với đó là phải đảm bảo tốt các cân đối lớn của nền kinh tế; quan tâm cân đối, bố trí nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;…

Cũng đề cập tới Kế hoạch 2016-2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp, cần hết sức quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; đề ra các giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát tốt hơn nhập khẩu, kiểm soát thị trường, quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; phát triển đồng bộ các loại thị trường, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật, pháp lệnh và khắc phục cho được tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật;…

Ngoài ra, tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT đã trình bày Báo cáo đề xuất việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô. Theo Bộ GTVT, việc thu phí là đúng với quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cách thức thực hiện của các địa phương là khác nhau (tổ chức thu, tỉ lệ trích lại cho các đơn vị thu, công tác thống kê, tuyên truyền...), chế tài xử phạt còn hạn chế,... dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là xe mô tô đạt hiệu quả thấp, gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, việc thu phí với xe mô tô chưa có tiền lệ, đề xuất tạm dừng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với đề xuất về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016 của Bộ GTVT; giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và Nghị định số 56/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bBo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, báo cáo Chính phủ.

Chính phủ cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo tóm tắt về Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, Kỳ thi cơ bản l thành công, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế.

Tuy nhiên, vẫn có một số mặt còn hạn chế như công tác truyền thông chưa được chú trọng; việc chỉ đạo hướng dẫn xét tuyển trong đợt 1 còn lúng túng, chưa chặt chẽ, vấn đề kỹ thuật còn bất cập... “Chúng ta cần rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để năm sau làm tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc (chinhphu.vn)