Thầy và trò Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn khắc phục khó khăn, dạy tốt học tốt trong mùa dịch Covid-19
11:00 AM 22/04/2020 | Lượt xem: 4000 In bài viết |Việc dạy và học trực tuyến đối với học sinh vùng cao, miền núi trước khi diễn ra đại nạn Covid-19 dường như là một điều không tưởng. Trước diễn biến phức tạp của “cuộc chiến không tiếng súng”, “chống dịch như chống giặc” thầy và trò Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn đã vượt qua khó khăn, nỗ lực vươn lên, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian để thực hiện “Tạm dừng đến trường, không dừng học”. Giờ đây vào mỗi buổi sáng, buổi chiều trong ngày, thầy cô lại cùng các em học tập, ôn luyện, không ngừng chinh phục tri thức.
Để tổ chức được các lớp học qua mạng Internet, Ban Giám hiệu nhà trường luôn cập nhật kịp thời sự định hướng, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh học từ xa (trực tuyến, truyền hình) nhằm thích ứng với điều kiện mới. Ban Giám hiệu đã nhanh chóng triển khai kế hoạch tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm dạy học qua mạng Internet cho toàn thể giáo viên. Thông qua các phần mềm Zoom Meeting, Shub Classroom, Facebook, Messenger, Zalo... nhà trường giúp giáo viên nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin sẵn có, phát huy thế mạnh của phương pháp dạy học tiên tiến, góp phần đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng dự bị đại học.
Sau buổi tập huấn, đội ngũ thầy, cô giáo đã miệt mài tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tin học, sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến. Hơn 20 buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến được tổ chức nhằm trao đổi ưu và nhược điểm của phần mềm, cách khắc phục các hạn chế khi sử dụng để giờ dạy đạt hiệu quả. Với tinh thần làm việc say mê, nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, mỗi thầy cô giáo đều có một tiết dạy thử nghiệm để tổ chuyên môn, cán bộ quản lý đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm. Sau đợt tập huấn và giảng thử, 100% giáo viên nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm dạy học trực tuyến và phầm mềm giao bài tập. Kết quả đó chính là động lực, là sức mạnh để nhà trường triển khai kế hoạch tổ chức dạy học qua Internet trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, năm học 2019-2020. Với mục đích giảm số giờ trên lớp học truyền thống, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của người học; đồng thời giúp học sinh duy trì nền nếp học tập, củng cố kiến thức và nhanh chóng bắt kịp với tiến độ học tập sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh, hoạt động dạy học qua Internet của thầy trò Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn đã thu được những kết quả khả quan.
Thông qua khảo sát hoàn cảnh thực tế, nhà trường phân loại học sinh thành các nhóm đối tượng khác nhau trong việc tiếp cận với dạy học qua Internet. Trên cơ sở đó, đã ban hành thời gian biểu học tập qua Internet phù hợp về thời gian, số môn học và điều kiện của học sinh. Nội dung học tập do các tổ chuyên môn xây dựng đúng quy định của Chương trình dự bị đại học và thực hiện nghiêm túc tinh giản nội dung bài học do Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo cho năm học 2019-2020.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 500 tiết dạy của thầy, cô được truyền tải đến các em. Các bài học được thiết kế bằng giáo án điện tử công phu, khoa học, đảm bảo mục tiêu bài học, chuẩn về kiến thức, kỹ năng, thái độ, giúp các em tiếp thu bài nhanh và hiệu quả. Cuối mỗi tuần, các em được giao bài tập, được kiểm tra đánh giá cả quá trình học tập, cùng với sự chuyên cần của các em qua mỗi bài học sẽ là minh chứng để nhà trường công nhận kết quả học tập cho học sinh trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến.
Bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên bộ môn, các thầy, cô giáo chủ nhiệm với tinh thần trách nhiệm cao cũng chính là cầu nối giữa nhà trường với học sinh. Các thầy, cô đã làm tốt công tác liên lạc, động viên, khích lệ các em, phối hợp với phụ huynh để học sinh đến với lớp học trực tuyến một cách tốt nhất.
Học sinh Lương Văn Phiêu, thôn Bo Thượng, xã Kỳ Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
Với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên, Internet hay điện thoại thông minh, máy tính đôi khi là điều không tưởng đối với nhiều em. Có em đã phải mượn điện thoại của anh, chị ,bố, mẹ thậm chí là hàng xóm để vào lớp nghe cô giảng bài, chụp bài tập gửi cho thầy, cô. Nhiều em học sinh phải đi “đón” mạng ở ngoài cánh đồng, ngoài bờ suối… để vào lớp học, có em vừa làm việc giúp bố mẹ vừa học bài thậm chí có em phải đi bộ vài km đường rừng để “hứng” mạng… Em Nguyễn Hồng Phiên, dân tộc Pa- cô, học sinh lớp K17C3 ở thôn Giồng, xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ em đều làm nông nghiệp, hết mùa vụ cả bố mẹ đều đi làm thuê để lấy tiền trang trải nuôi hai anh em Phiên ăn học. Bố mẹ Phiên phải cố gắng lắm mới quyết tâm cho em tiếp tục theo học ở trường dự bị và mua cho em một chiếc điện thoại “cục gạch” để tiện liên hệ. Giờ nghỉ chống dịch, học trực tuyến bằng điện thoại thông minh đối với Phiên là điều xa xỉ. Do vậy, hai hôm đầu khi nhà trường triển khai học qua mạng, em không thể tham gia học được, Phiên phải tự học qua tài liệu của thầy cô gửi qua thư điện tử. Để lấy tài liệu, em phải đi xuống trung tâm xã để in bài mà cô giáo gửi. Dù vất vả là thế nhưng Phiên rất vui vì luôn được cô giáo chủ nhiệm và thầy cô bộ môn gọi điện động viên và trao đổi nội dung kiến thức khó.
Khó khăn là thế nhưng khi đã vào lớp học trực tuyến các em rất chăm chú học tập, sự tương tác giữa thầy và trò diễn ra sôi nổi. Nhiều em rất hứng thú với không gian lớp học qua Internet một phần vì từ khi nghỉ Tết đến nay các em mới được nghe thầy, cô giảng bài, được gặp gỡ bạn bè trong một không gian học tập đặc biệt. Mặt khác, các em được trải nghiệm, được nâng cao kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, được làm quen với một hình thức dạy học hiện đại. Lớp học qua mạng đã kết nối thầy cô và các em gần nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn về kiến thức, về những tâm tư, nguyện vọng, về những diễn biến phức tạp trong cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình hiện nay.
Để học sinh đến được với lớp học qua Internet là một quá trình mà cả thầy cô, nhà trường và các em cùng nỗ lực để thay đổi và tiếp cận. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa có điện thoại thông minh hay không đủ kinh phí mua dịch vụ 3G, 4G để tham gia học trực tuyến. Thấu hiểu được điều kiện và hoàn cảnh của các em, nhà trường và các tổ chức Đoàn thể đã hỗ trợ tiền mua 3G, 4G cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi xuất trị giá 200.000 đồng; hỗ trợ điện thoại thông minh cho những học sinh không có điện thoại để các em tham gia lớp học. Nhà trường đã cử đoàn công tác, gồm đại diện Ban Giám hiệu, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ lên Mường Lát, Quan Hóa, Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa để trao điện thoại thông minh cho học sinh. Đồng thời, nhanh chóng chuyển phát nhanh qua đường bưu điện hỗ trợ cho các em học sinh đến các tỉnh ngoài Thanh Hóa, nhằm giúp các em bắt kịp với việc học qua Internet.
Học sinh Lương Khánh Huyền, xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa
Em Quách Thị Trang, dân tộc Mường học sinh lớp K17D2 ở thôn 8, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa tham gia học trực tuyến hôm được hôm không. Trang cũng không có điện thoại thông minh, hôm nào mượn được của bạn thì học còn không thì tự đọc, vấn đề nào khó gọi hỏi thầy cô. Trang mơ ước mua một chiếc điện thoại có kết nối Internet nên sau khi nghỉ Tết về nhà em đã đi làm thuê để tiết kiệm tiền. Nhưng chưa đủ để thực hiện ước mơ thì do dịch, không còn công việc để làm thuê nữa. Vậy là ước muốn của em vẫn còn dang dở, giờ việc học trực tuyến vô cùng khó khăn đối. Hôm nhận được điện thoại của nhà trường do Đoàn công tác lên tận nhà trao tặng, Trang hứa sẽ quyết tâm đến cùng để theo đuổi việc học, để xứng đáng với tình cảm mà các thầy cô đã dành cho em.
Em Sung A Đua, dân tộc Mông, học sinh lớp K17C5 ở Mường Lát, Thanh Hóa, cũng thuộc diện gia đình khó khăn, bố mới mất tháng trước trong một lần đi làm rẫy. Nhưng em chưa hề bỏ một buổi học nào dù phải đi mượn điện thoại để học. Nhận được chiếc điện thoại hỗ trợ học tập, em không khỏi ngậm ngùi xúc động, cảm ơn thầy cô và nhà trường đã tạo điều kiện để em và các bạn không ngừng được học tập.
Với quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, nhà trường đã nỗ lực hết mình để không còn một học sinh nào phải dừng học. Thành quả gieo chữ trên non của thầy cô và nhà trường chính là sự tin tưởng của các em học sinh và phụ huynh. Những bức ảnh ngồi học mà các em chia sẻ với thầy cô đã trào dâng niềm xúc động, khiến tình cảm dành cho các em học trò vùng cao ngày càng sâu đậm. Các em vẫn đang miệt mài thắp lên ngọn lửa của nghị lực, của ý chí, của sự quyết tâm học tập. Để cho những ước mơ, hoài bão của các cô cậu học trò miền sơn cước xa xôi tiếp tục được bay cao, bay xa.