Phát triển giáo dục - đào tạo vùng đồng bào Khmer: Hoàn thiện chính sách cử tuyển và tuyển dụng
09:16 AM 05/10/2015 | Lượt xem: 3504 In bài viết |Thực tế triển khai các chính sách về giáo dục - đào tạo cho đồng bào Khmer, đã cho thấy có những “lực cản” cần phải giải quyết. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp để điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp hơn với xu thế hội nhập nhằm phát triển bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Còn những bất cập
Những năm qua, ngoài việc ưu tiên tuyển dụng cán bộ là người Khmer đã học qua các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thì từ chính sách cử tuyển con em đồng bào dân tộc bằng Nghị định 134/2006/NĐ-CP (ngày 14/11/2006 của Chính phủ) cũng đã tạo ra một nguồn nhân lực cho khu vực đồng bào Khmer, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính sách cử tuyển thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, nổi cộm là cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nên gây khó khăn cho việc tạo nguồn lực cho vùng đồng bào Khmer. Cụ thể là nhiều tỉnh, thành đào tạo cán bộ cử tuyển người dân tộc chưa xuất phát từ quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, việc chọn ngành học của học sinh, sinh viên dân tộc vẫn mang tính tự phát, theo cảm tính và từ đó có nơi chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm chủ yếu dựa vào kết quả đăng ký của học sinh.
Theo Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay ngành nghề cử tuyển tập trung chủ yếu vào các ngành nông, lâm nghiệp, văn hóa, thể thao… trong khi các ngành khoa học như y tế, giao thông, thủy lợi, kiến trúc, xây dựng… được giao chỉ tiêu nhưng số lượng còn hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, còn nghịch lý là phần lớn sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường không có việc làm trong khi vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc lại đang thiếu cán bộ có trình độ. Một trong những nguyên nhân là sự chồng chéo giữa các nghị định. Theo đó, Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người học được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, trong khi Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 116/2003/NĐ - CP lại quy định việc tuyển dụng công chức, viên chức phải thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Theo đó, vì chỉ tiêu biên chế ở các cấp địa phương đã đủ nên không có chỉ tiêu biên chế để bố trí cho sinh viên mới ra trường và sinh viên cử tuyển ra trường vẫn phải thi tuyển công chức như các đối tượng khác.
Bổ sung, hoàn thiện chính sách
Để giải quyết bất cập nói trên, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 49/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 6/7/2015. Theo đó, Nghị định mới có nội dung quan trọng là hàng năm khi lập kế hoạch cử tuyển phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế đối với vị trí việc làm là công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức; căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội. UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển chọn, đặt hàng đào tạo theo chế độ cử tuyển với các cơ sở đào tạo; quyết định cử người đi học theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định và chỉ tiêu được giao.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, chính sách cử tuyển nên tăng chỉ tiêu, bổ sung ngành nghề đào tạo mở rộng đối tượng và phạm vi cử tuyển, không chỉ là học sinh dân tộc Khmer sống trên địa bàn các xã thuộc diện khó khăn theo chương trình 135 như Nghị định 134/2006/NĐ-CP trước đây nhằm đáp ứng đủ nguồn cán bộ người dân tộc.
Mặt khác, cần xây dựng chính sách tuyển dụng riêng cho con em đồng bào Khmer trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đối với người Khmer tốt nghiệp cao đẳng đã làm cho các cơ quan nhà nước, khi thi tuyển công chức phải có chính sách ưu tiên, cộng điểm trong các kỳ thi hoặc nếu cán bộ nào có thành thích công tác tốt có thể xem xét cơ chế tuyển dụng trực tiếp. Chính phủ nên giao cho cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện chính sách cử tuyển. Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp về giao chỉ tiêu, chi trả kinh phí cho các cơ sở đào tạo, theo dõi, quản lý sinh viên trong thời gian học tập, phối hợp với cơ quan chức năng trong bố trí việc làm sau khi ra trường.
Chính phủ cần xem xét lại nguồn kinh phí đào tạo theo tinh thần của Nghị định 134/2006/NĐ-CP. Bởi theo Nghị định này, quy định kinh phí đào tạo do địa phương chi trả bao gồm học phí, phụ cấp sinh hoạt, phụ cấp chính sách và các chi phí khác, nhưng quy định này lại bộc lộ yếu kém là các địa phương có đông đồng bào Khmer đa số là tỉnh nghèo nên việc yêu cầu chi trả kinh phí thực hiện chính sách cử tuyển gặp khó khăn. Chính vì vậy, các địa phương chưa thực hiện hết các chỉ tiêu được giao.
Hiện nay Nhà nước vẫn chưa có chính sách khuyến khích sinh viên người dân tộc Khmer thi đỗ và đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chính quy. Mặc dù cũng là đối tượng thanh niên dân tộc Khmer nhưng số học sinh này có học lực khá, thi đỗ vào các trường nói trên lại không được hưởng chính sách, chế độ ưu đãi như học sinh hệ cử tuyển. Điều này đã làm cho một bộ phận phụ huynh và sinh viên dân tộc so bì, thắc mắc vì đối tượng sinh viên cử tuyển học yếu hơn nhưng lại được học bổng hoàn toàn. Hiện nay, Nhà nước chỉ mới hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên thuộc diện nghèo, cận nghèo tại Quyết định số 66/2013/QĐ - TTg ngày 11/11/2013, do vậy Chính phủ cũng cần nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ trong thời gian tới.
Anh Đức - Trung Hiếu (baotintuc.vn)