"Giữ lửa” nghề dệt thổ cẩm dân tộc S’tiêng

02:05 PM 03/10/2015 |   Lượt xem: 4585 |   In bài viết | 

Sinh năm 1964, bà Thị Giôn (ảnh), dân tộc S’tiêng, ở ấp Lồ Ô, xã Thanh An, huyện (Bình Phước) luôn mong muốn giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình tới các thế hệ sau.

Từ thuở còn nhỏ, tình yêu đối với nghề dệt thổ cẩm đã thấm đẫm trong bà Thị Giôn qua từng đường chỉ, từng hoa văn truyền thống, thông qua sự chỉ bảo của người mẹ. Tình yêu đó đã thôi thúc bà âm thầm học hỏi, truyền dạy nghề cho nhiều người trong ấp, xã.

Để bảo tồn, quảng bá và giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với các dân tộc khác trong nước, cũng như bạn bè quốc tế, năm 2011, bà Thị Giôn đã quyết định mở cơ sở dệt thổ cẩm tại ấp Lồ Ô, xã Thanh An.

Hiện nay “Thổ cẩm” là tên gọi chung cho các loại hàng dệt có trang trí màu sắc rực rỡ được dệt bằng tay hay bằng máy; nhưng với bà Thị Giôn, việc dệt thổ cẩm truyền thống của người S'tiêng phải bằng khung cửi gỗ, tre; đường kim, đường chỉ cũng phải đặc biệt… Với tâm huyết mấy chục năm qua, bà đang dần đưa hồn của người dân tộc S'tiêng vào từng sản phẩm. Cơ sở dệt thổ cẩm bà Thị Giôn đã đứng vững, từ 3 thành viên ban đầu, hiện nay đã có đến 32 người tham gia.

Hầu hết các sản phẩm dệt đều dùng khung cửi truyền thống, nên các thành viên trong nhóm mất khá nhiều thời gian để hoàn thành một sản phẩm. Bà Thị Giôn tâm sự: “Sản phẩm chúng tôi dệt có giá từ vài chục nghìn đến 2 triệu đồng, hầu hết không có lợi nhuận, mà lấy công làm lãi”.

Là học viên đã qua lớp học nghề dệt thổ cẩm do bà Thị Giôn và các thành viên trong cơ sở giảng dạy, em Thị Hảo (15 tuổi) chia sẻ: “Ban đầu em học dệt rất khó khăn, nhất là ở khâu sắp xếp đường chỉ, nhưng sự chỉ bảo tận tình của các cô, các bác, em đã dần dần biết dệt nhiều hơn. Em mong sau này khi dệt thạo, không những phụ giúp kinh tế gia đình, mà còn giữ gìn truyền thống nghề dệt thổ cẩm của dân tộc và giới thiệu bản sắc văn hóa cho các dân tộc khác”.

Bí thư xã Thanh An, ông Lê Minh Thìn cho biết: "Trên địa bàn xã có nhiều mô hình hiệu quả, nhưng mô hình dệt thổ cẩm của bà Thị Giôn được chị em tham gia đông đảo nhất. Hoạt động của cơ sở có ý nghĩa về kinh tế, cũng như gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc S'tiêng. Đây là tín hiệu mừng về việc gìn giữ bản sắc truyền thống dân tộc S'tiêng hiện nay”.

K Gửi (baotintuc.vn)