Bộ luật Dân sự (sửa đổi) thể hiện bước tiến bộ dài về hoàn thiện hệ thống pháp luật
03:28 PM 03/10/2015 | Lượt xem: 3291 In bài viết |Sáng 3/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Tọa đàm về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Toạ đàm là cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ và học tập kinh nghiệm trong xây dựng Bộ luật Dân sự, góp phần xây dựng một Bộ luật Dân sự mới có sức sống lâu dài, cụ thể hóa được các quy định của Hiến pháp năm 2013 trong lĩnh vực dân sự theo tinh thần pháp quyền, dân quyền.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được giới thiệu về những kết quả đã đạt được trong hợp tác xây dựng dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữa Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời tập trung thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; Về điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản; lãi suất trong hợp đồng vay tài sản và lãi suất do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền…
Về khái niệm vật quyền, hiện có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc sử dụng khái niệm vật quyền và xây dựng chế định vật quyền trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là cần thiết. Điều này bảo đảm mọi tài sản và các tài nguyên trong xã hội phải có chủ thực sự. Việc xây dựng chế định vật quyền không phải là vấn đề mới mà là sự kế thừa, phát triển trên cơ sở của Bộ luật Dân sự năm 2005. Việc sử dụng khái niệm vật quyền và xây dựng khái niệm vật quyền trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để khắc phục những tồn tại, hệ thống hóa lại các quy định về quyền sở hữu và các vật quyền khác, cũng như bảo đảm được mối quan hệ giữa chúng với nhau. Đồng thời, bảo đảm tính hội nhập không chỉ trong lĩnh vực kinh tế - xã hội mà còn hội nhập về mặt thể chế pháp lý về phát triển nền kinh tế thị trường với thế giới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên sử dụng khái niệm vật quyền khi mà chủ thuyết, nội dung chưa rõ ràng và về bố cục chưa bảo đảm tính logic, đồng thời cũng không nên sử dụng các thuật ngữ hoàn toàn mới nếu nội hàm quy định không có sự thay đổi cơ bản.
Giáo sư Morishima – Giáo sư danh dự Đại học Nagoya, Nhật Bản đánh giá, so với các Bộ luật trước đó, Dự thảo Bộ luật Dân sự năm 2015 đã thể hiện một bước tiến bộ dài về hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách căn bản cho xã hội kinh tế thị trường. Tuy nhiên, một số nội dung của dự thảo cần được tiếp tục hoàn thiện để giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra cũng như giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
“Nếu sử dụng khái niệm vật quyền vào trong dự thảo Bộ luật thì sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế”, Giáo sư Morishima nói. Song, Giáo sư cũng lưu ý khi đưa vật quyền vào dự thảo Bộ luật cần làm rõ vật quyền nào thì phải đăng ký và hậu quả pháp lý của vật quyền là như thế nào?.
Thu Hằng (CPV)