Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ít người
11:44 AM 05/10/2015 | Lượt xem: 2456 In bài viết |Hơn 50 già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người uy tín của 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, đang sinh sống tại 8 tỉnh, đã đóng góp ý kiến thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tại hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 6/8, tại Hà Nội.
Hơn 50 già làng, trưởng bản, nghệ nhân và người uy tín của 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người, đang sinh sống tại 8 tỉnh, đã đóng góp ý kiến thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tại hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 6/8, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Việt Nam hiện có 16 dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người, trong đó, 5 dân tộc thiểu số có dân số dưới 1.000 là Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Văn hóa truyền thống của đồng bào phong phú, nhưng chưa được bảo tồn, phát huy đúng mức và đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa tộc người. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các đại biểu để cùng tìm ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ý kiến của các đại biểu sẽ góp phần giúp Bộ đề xuất các giải pháp hữu hiệu, cơ chế chính sách đặc thù bảo tồn văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người; xác định nội dung bảo tồn, phát huy giá trị để văn hóa truyền thống của các dân tộc thoát khỏi tình trạng mai một.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những nguyên nhân khiến văn hóa của các dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một, mất bản sắc. Đó là, do các dân tộc thường sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu vùng xa, nhưng có dân số ít, sống xen kẽ với các dân tộc khác; nên văn hóa các dân tộc giao thoa, hội nhập lẫn nhau; các loại hình văn hóa, giải trí khác cũng gây sức ép lên văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người. Tri thức và nhận thức của cộng đồng các dân tộc về văn hóa truyền thống cũng thay đổi theo sự phát triển của xã hội, nhất là giới trẻ... Mặt khác, một bộ phận đồng bào cũng không tự ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị truyền thống của chính dân tộc mình.
Các đại biểu cũng thống nhất cho rằng: Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người cần được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Bảo tồn, phát huy không chỉ dừng lại ở việc duy trì một lễ hội, hay một vài yếu tố văn hóa riêng lẻ, mà cần có biện pháp cụ thể, hiệu quả nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Các đại biểu cũng nhấn mạnh: Muốn bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người, cần phải để những di sản này tồn tại, sống trong đời sống cộng đồng. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương phải có biện pháp khuyến khích những người hiểu biết về văn hóa trong các cộng đồng dân tộc này trao truyền cho thế hệ trẻ tiếp thu di sản văn hóa dân tộc mình. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách động viên thanh thiếu niên các dân tộc tham gia học tập, gìn giữ văn hóa dân tộc, nhất là sử dụng, bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục, thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Thanh Giang (baotntuc.vn)