Sửa đổi Luật theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em

04:14 AM 16/11/2015 |   Lượt xem: 4237 |   In bài viết | 

Ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đọc tờ trình về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi (Ảnh: Trần Hải).

Sửa đổi Luật theo hướng tiếp cận dựa trên quyền trẻ em

Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi bổ sung các quy định mới để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện các quyền trẻ em. Luật cũng chuyển hướng từ tiếp cận theo nhu cầu của trẻ sang tiếp cận dựa trên quyền trẻ em.

Sáng ngày 12-11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã gửi tới Quốc hội tờ trình về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) (sau đây gọi là dự án Luật).
Bộ trưởng nêu rõ, việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật.

Cụ thể như, quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi của Luật năm 2004 chưa tương thích với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (QTE). Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người, quyền công dân, trong khi Luật năm 2004 chỉ quy định trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. Do đó, không có cơ sở pháp lý để bảo đảm các QTE đồng thời là quyền con người đối với trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, trẻ em không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
Việc ban hành Luật mới thay thế Luật năm 2004 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm tương thích hơn với Công ước của Liên hợp quốc về QTE và triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Luật năm 2004; dự án Luật bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các QTE, tiếp cận theo hướng chuyển từ tiếp cận theo nhu cầu, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đối với trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng sang xây dựng khung pháp lý toàn diện và tiếp cận dựa trên QTE.

Dự thảo Luật gồm bảy chương với 106 điều.

Dự thảo Luật mở rộng khái niệm trẻ em cả về độ tuổi và phạm vi. Điều 1 của dự thảo Luật quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” mà không giới hạn là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi.

Điều 6 dự thảo Luật quy định các nguyên tắc: được sống và phát triển; bình đẳng, không phân biệt đối xử; lợi ích tốt nhất cho trẻ em và bổ sung nguyên tắc tôn trọng ý kiến của trẻ em.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 10 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Luật năm 2004 thành 16 nhóm hành vi bị nghiêm cấm.

Chương 2 về các quyền và bổn phận của trẻ em gồm 31 điều, quy định đầy đủ các QTE đã được quy định tại Công ước của Liên hiệp quốc về QTE, bao gồm 27 quyền của trẻ em, phân định rõ quyền con người, quyền công dân của trẻ em.
Chương này cũng quy định bốn nhóm bổn phận của trẻ em trên cơ sở kế thừa Luật năm 2004, phù hợp với một số chế định về nghĩa vụ công dân của Hiến pháp năm 2013.

Chương 3 về chăm sóc và giáo dục trẻ em chỉ quy định các nội dung cơ bản, các biện pháp bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội khi thực hiện quyền chăm sóc, giáo dục trẻ em. Còn các nội dung cụ thể thực hiện theo quy định tại các luật chuyên ngành (Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật Giáo dục...).

Chương 4 của dự thảo Luật quy định hệ thống bảo vệ trẻ em, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống bảo vệ trẻ em; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em; bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin về hành vi xâm hại trẻ em. Việc quản lý trường hợp trong công tác xã hội đối với trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại được quy phạm hóa quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Điều 54).

Dự thảo Luật quy định các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em (Điều 56) để thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp mà không chỉ dừng lại ở việc can thiệp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Dự thảo luật cũng quy định toàn diện về chăm sóc thay thế, từ Điều 57 đến Điều 66, nhằm bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường gia đình và được chăm sóc thay thế khi bị mất môi trường gia đình hoặc không thể sống cùng cha đẻ, mẹ đẻ vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Quy định bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính là nội dung mới được bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ trẻ em có liên quan đến tố tụng dân sự, hình sự và xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung này liên quan đến trẻ em vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án hình sự, trẻ em có liên quan đến quá trình tố tụng dân sự vì lý do chăm sóc, cấp dưỡng trong các vụ ly hôn.

Sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em là chương mới để thể chế hóa quy định tại khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013.

Nhất trí nâng độ tuổi trẻ em

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, hầu hết các thành viên của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VH,GD,TN,TN và NĐ) nhất trí đổi tên thành Luật Trẻ em như phương án 1 của Chính phủ.

Nhiều ý kiến nhất trí về việc nâng độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi. Việc điều chỉnh này là cần thiết, vừa bảo đảm tuân thủ Công ước Quốc tế về QTE, vừa thống nhất với các quy định của pháp luật Việt Nam về tuổi trưởng thành đầy đủ (tức là tuổi thành niên), đồng thời phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục phổ thông, là bậc học giúp trẻ em hoàn thiện nhân cách, phát triển cả về thể chất và tinh thần để sẵn sàng tham gia vào đời sống xã hội.

Qua giám sát, Ủy ban VH,GD,TN,TN và NĐ nhận thấy, hiện nay, việc đầu tư phát triển hệ thống giáo dục mầm non chưa thực sự bảo đảm công bằng trong cơ hội phát triển đối với mọi trẻ em, đặc biệt là trong thụ hưởng hỗ trợ từ Nhà nước giữa trẻ em ở các cơ sở giáo dục công lập với trẻ em ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đa số ý kiến nhất trí với quy định tại Khoản 3, Điều 44 của dự thảo Luật về bảo đảm công bằng trong việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho bậc học mầm non, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập.

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất áp dụng phương thức đầu tư ngân sách Nhà nước cho trẻ em ở bậc học mầm non theo đầu trẻ, không phân biệt học ở cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập.

Đa số ý kiến tán thành với quy định về chăm sóc thay thế trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thiết kế lại theo hướng: định kỳ sáu tháng báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về sự phát triển của trẻ em; khi phát hiện có các hành vi và các vấn đề phát sinh của trẻ em thì phải thông báo kịp thời với cơ quan chức năng để xử lý.

Ngoài ra, bổ sung vào Điều 66 của dự thảo Luật quy định về thời gian, trình tự thủ tục tiến hành việc chấm dứt chăm sóc thay thế để cơ quan nhà nước kịp thời bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế xâm hại.

Uỷ ban VH,GD,TN,TN và NĐ tán thành quan điểm của dự thảo Luật về quy định nội dung bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng. Đây là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Tuy nhiên, dự thảo Luật có nhiều nội dung quy định trùng lắp với các quy định trong pháp luật về tố tụng hiện hành như quy định trẻ em có quyền được luật sư bào chữa, được trợ giúp pháp lý, trẻ em được xét xử kín... Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ và chỉ nên quy định trong Luật này những vấn đề mang tính nguyên tắc nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em trong quá trình tố tụng.

Ủy ban nhận thấy, hoạt động giám sát việc thực hiện QTE ở Việt Nam hiện nay còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về bảo vệ QTE, đặc biệt là còn thiếu cơ chế giám sát việc thực hiện QTE nhìn từ góc độ trẻ em.
Về nguồn lực Nhà nước đầu tư cho trẻ em, Ủy ban nhất trí quy định tại Khoản 2, Điều 8, song đề nghị bổ sung thêm một số khoản mới vào Điều 8 với các nội dung: “Lồng ghép vấn đề trẻ em khi xây dựng pháp luật và chính sách; định kỳ và hằng năm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ ngành, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện QTE và bảo vệ trẻ em” và “Tùy theo từng nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp”.

Theo chương trình, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII.

Theo: Anh Chi (Nguồn: Báo Nhân dân)