Cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân vùng thủy điện

07:52 AM 04/11/2015 |   Lượt xem: 2653 |   In bài viết | 

Đây là một trong những nội dung được đại biểu Đinh Công Sỹ (tỉnh Sơn La) báo cáo trước Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chiều ngày 2/11.

Nói về chính sách cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của thủy điện Hòa Bình ở tỉnh Sơn La, đại biểu Sỹ cho biết: Thực hiện chủ trương về xây dựng thủy điện Hòa Bình, 40 năm trước, hàng vạn đồng bào chịu ảnh hưởng của dự án đã rời bỏ nhà cửa, nơi chôn rau cắt rốn đến nơi ở mới. Tổng số dân di chuyển giai đoạn 1976 -1994 mà nhiều người gọi là "cuộc di dân lịch sử" ở 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình lên trên 9.800 hộ. Trong đó, Sơn La chiếm hơn nửa là 5.200 hộ gốc ban đầu và suốt thời gian thực hiện di dân qua rà soát đã lên đến 18.176 hộ. Gần 40 năm qua, thủy điện Hòa Bình đã sản xuất lượng điện năng đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy đời sống của nhân dân nơi đây. Các chương trình dự án 747, 1382,1460 và Quyết định 1401 của Nhà nước đã hỗ trợ và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, theo đó diện mạo nơi đây đã thay đổi nhiều.

Tuy nhiên, qua theo dõi từ 6 huyện chịu ảnh hưởng của thủy điện Hòa Bình ở tỉnh Sơn La cho thấy, đời sống nhân dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các xã này lên đến gần 50%. Nhiều chính sách hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để thay đổi căn bản đời sống của bà con. Nguyên nhân thì có nhiều, như mức hỗ trợ thấp, thiếu đồng bộ ở các hạng mục và đầu tư còn manh mún.

Trước thực trạng trên, đại biểu Đinh Công Sỹ đề xuất cho phép các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh tổng thể đề án 1460 thực hiện đến năm 2020 thay vì điều chỉnh nội bộ đề án, rà soát số hộ chịu ảnh hưởng gắn việc giảm nghèo vào phát huy lợi thế vùng lòng hồ là nuôi trồng thủy sản du lịch sinh thái và tổ chức sắp xếp lại dân cư có tính bền vững và toàn diện hơn.

Đồng thời, cần ưu tiên xem xét phân bổ ngân sách hỗ trợ bảo đảm tiến độ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, sự phân bổ này đang thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tiễn đã được Chính phủ phê duyệt, ví dụ: một huyện chỉ được 7-10 tỷ đồng/năm.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững, đại biểu Đinh Công Sỹ cho biết: Năm 2011, kết thúc chương trình 5 triệu ha rừng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18, giao Chính phủ 8 nhóm nhiệm vụ, trong đó có chính sách bảo đảm cho cộng đồng dân cư nơi có rừng được hưởng lợi trực tiếp từ việc bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng. Trên thực tế, các chính sách về trồng rừng đang được triển khai chưa đủ mạnh để khích lệ người dân tham gia trồng rừng, trong khi trồng cây nông nghiệp ngắn ngày phục vụ nhu cầu lương thực hàng ngày vẫn là ưu tiên.

“Tôi đánh giá cao việc Chính phủ mới ban hành Nghị định số 75, ngày 9/9/2015 về cơ chế chính sách đối với việc bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, theo đó đã đề ra các giải pháp hỗ trợ, và có thể nói là toàn diện nhất từ trước đến nay. Với những giải pháp này kỳ vọng sẽ giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ phát triển rừng và nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, việc tham mưu của các bộ, ngành cho Chính phủ cũng cần cân nhắc đến khả năng bố trí nguồn lực trong khi hầu hết các chính sách này đều là ở các tỉnh miền núi, nơi chính quyền địa phương không thể tự cân đối được”, đại biểu Đinh Công Sỹ nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Đinh Công Sỹ, đối với trồng rừng thay thế, Nghị quyết 62 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch về đầu tư xây dựng vận hành khai thác công trình thủy điện đã đặt giới hạn cho Chính phủ chỉ đạo hoàn thành việc trồng rừng thay thế trong năm 2015 đối với các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành khai thác. Tuy nhiên, qua báo cáo về các công trình thủy điện lớn và qua làm việc với một số địa phương cho thấy, một tỷ lệ lớn diện tích trồng rừng thay thế chưa được nghiêm túc thực hiện.

Trước thực trạng trên, đại biểu Đinh Công Sỹ kiến nghị Chính phủ có biện pháp cương quyết đối với các chủ dự án không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế, đồng thời, tháo gỡ cho các địa phương không có đất sạch nhưng có đất rừng phòng hộ hoặc các loại rừng khác nghèo kiệt được trồng mới bằng quỹ dịch vụ môi trường rừng phát sinh từ địa phương đó./.

Theo: BL (Nguồn: CPV)