Ngày Sức khỏe Thế giới 2015: Thực phẩm không an toàn là nguyên nhân của hơn 200 bệnh
12:39 PM 08/04/2015 | Lượt xem: 2418 In bài viết |Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) năm nay là dịp để Tổ chức Y tế
Thế giới tại Việt Nam hoan nghênh Chính phủ Việt Nam về cam kết cải thiện tình
trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam; đồng thời, thúc giục tất cả người tiêu
dùng và các nhà sản xuất hãy tuân thủ an toàn thực phẩm để bảo vệ sinh mạng và
nâng cao sức khỏe của người dân.
Theo ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, đảm bảo
an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả người tiêu dùng và nhà sản xuất
trong chuỗi liên tục của thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Các nhà sản xuất,
các nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam cần phải chịu trách
nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh trong khi
người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực
hành tốt về an toàn thực phẩm.
Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc hóa
chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 bệnh – từ tiêu chảy đến các bệnh mãn
tính như ung thư. Thực phẩm không an toàn tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật
và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng đến trẻ em và người già
Những ví dụ về thực phẩm không an toàn bao gồm các loại thực phẩm có nguồn gốc
động vật và không được nấu chín kỹ, trái cây và rau quả bị nhiễm phân, và các
loài có vỏ từ biển chứa các độc tố sinh học.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2014, đã có 194 vụ ngộ độc thực
phẩm được báo cáo tại Việt Nam, khiến trên 5000 người bị ngộ độc, 80% trong số
đó phải nhập viện và 43 trường hợp bị tử vong. So với năm 2013, số người bị ảnh
hưởng hay nhập viện bởi ngộ độc thực phẩm đã giảm đi.
Đảm bảo an toàn thực phẩm tại Việt Nam là một thách thức do nhịp độ phát triển
kinh tế nhanh của đất nước. Những căn bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra đã
cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức
khỏe, và gây tổn hại cho nền kinh tế, lĩnh vực du lịch và thương mại quốc gia.
Chuỗi cung cấp thực phẩm càng ngày càng chạy qua nhiều biên giới quốc gia, do đó,
việc phối hợp giữa Việt Nam và các nước láng giềng là rất quan trọng để đảm bảo
an toàn thực phẩm.
Các cơ hội xuất khẩu bị đánh mất, việc phải đóng cửa các doanh nghiệp và mất đi
uy tín trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế. Bên cạnh đó, những
chi phí không nhìn thấy được đối với nền kinh tế Việt Nam do không được tham gia
vào các hoạt động, hiện tượng năng lực sản xuất bị suy giảm và thu nhập của nhóm
dân cư nghèo nhất bị giảm sút có thể trở nên rất lớn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc nâng cao
an toàn thực phẩm. Một chiến lược quốc gia tới năm 2020 (được thông qua vào năm
2011) đã đưa ra đường hướng vững mạnh và Luật An toàn thực phẩm sửa đổi xác định
lại vai trò và trách nhiệm của các bộ khác nhau liên quan đến an toàn thực phẩm,
cũng như giới hạn số lượng các bộ liên quan. Bộ Luật hỗ trợ việc đảm bảo sự an
toàn của thực phẩm bằng cách đưa các bên tham gia vào chuỗi liên tục thực phẩm,
từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển tới tiêu dùng.
Nhân Ngày sức khỏe Thế giới năm nay với chủ đề "An toàn thực phẩm", WHO và Bộ Y
tế nước ta đưa ra 5 thông điệp giúp thực phẩm an toàn hơn. Đó là giữ vệ sinh
sạch sẽ - rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn; Bảo quản
riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống; Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt,
gia cầm, trứng; Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp; Sử dụng nước sạch và thực phẩm
tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn./.
Kha Thoa (Nguồn: CPV)