Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/2015): Trao quyền cho phụ nữ - Trao quyền cho nhân loại: Hãy tưởng tượng!
10:17 AM 09/03/2015 | Lượt xem: 3246 In bài viết |Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và tổng kết các tiến bộ đã được thực hiện, kêu gọi các thay đổi và tôn vinh các hành động can đảm và quyết tâm được thực hiện bởi những người phụ nữ bình thường, những người giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đất nước và trong chính cộng đồng của mình.
Năm nay, ngày Quốc tế Phụ nữ
(8/3/2015) được kỷ niệm với chủ đề: "Trao quyền cho phụ nữ - Trao quyền cho nhân
loại: Hãy tưởng tượng!" - Hãy tưởng tượng một thế giới mà phụ nữ và trẻ em gái
có thể thực hiện sự lựa chọn của mình. Phụ nữ và trẻ em gái phải có thể tham gia
vào đời sống chính trị, được giáo dục, hưởng lợi ích từ các nguồn thu nhập, và
sống trong những xã hội không có bạo lực và phân biệt đối xử.
Trong năm 2015, ngày Quốc tế Phụ nữ sẽ tập trung vào Tuyên bố và Chương trình
hành động Bắc Kinh, một con đường hành động mang tính lịch sử đã được ký kết bởi
189 chính phủ cách đây 20 năm, thiết lập chương trình hành động nhằm thực hiện
các quyền của phụ nữ.
Cho đến nay, Tuyên bố và Chương trình hành động Bắc Kinh vẫn là công cụ quốc tế
chính nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Trong thông điệp được đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc
Ban Ki-moon nhấn mạnh: Kể từ khi thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động
Bắc Kinh, số lượng các cô gái không được tiếp cận với giáo dục giảm. Số lượng
phụ nữ tử vong khi sinh nở giảm một nửa. Ngày càng có nhiều phụ nữ lãnh đạo
doanh nghiệp, chính phủ hay một tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ,
chúng ta cũng cần phải thừa nhận rằng những lợi ích thu được vẫn còn chậm và
không đồng đều, và chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến bộ ở
khắp mọi nơi trên thế giới.
Thế giới phải đoàn kết trong bối cảnh phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành mục tiêu
của những kẻ cực đoan bạo lực. Tại Nigeria, Somalia, Syria và Iraq, những thi
thể phụ nữ được tìm thấy trên chiến trường. Những người phụ nữ nỗ lực thực hiện
các quyền về giáo dục và các dịch vụ cơ bản lại đang bị tấn công; họ bị hãm hiếp,
biến thành nô lệ tình dục; là mục tiêu tấn công hoặc là nạn nhân của các mạng
lưới buôn bán được triển khai bởi các nhóm cực đoan. Những nữ bác sĩ, y tá và
những người khác bị giết trong khi làm nhiệm vụ. Những người bảo vệ nhân quyền
và ủng hộ quyền phụ nữ là những người có can đảm để tố cáo các tội ác đều có
nguy cơ bị mất đi sự sống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Chính vì vậy, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi chúng ta cần phải
quyết tâm và xác định mục tiêu một cách rõ ràng nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của
phụ nữ. Nỗi khiếp sợ của cộng đồng quốc tế phải nhường đường cho những hành động
cụ thể, trong đó có hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ tâm lý xã hội, hỗ trợ đối với sinh
kế và một hành động để đưa thủ phạm ra trước công lý. Nếu phụ nữ và trẻ em gái
thường là mục tiêu đầu tiên của cuộc tấn công thì các quyền của họ cần phải được
xem là trung tâm của chiến lược nhằm giải quyết vấn nạn đang ngày càng gia tăng
và đáng báo động này. Trao các phương tiện hành động cho phụ nữ và trẻ em gái là
hy vọng lớn nhất nhằm đạt được phát triển bền vững sau một cuộc xung đột.
Ngay cả trong các xã hội hòa bình, vẫn còn quá nhiều cô gái và phụ nữ tiếp tục
phải chịu cảnh bạo lực trong gia đình, đó là những vết thương của mỗi cá nhân và
ảnh hưởng tới toàn xã hội. Phân biệt đối xử là một trở ngại lớn và phải được
tháo dỡ. Chúng ta cần phải mở rộng các cơ hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực
chính trị và thương mại. Chúng ta cần phải thay đổi thái độ, đặc biệt là nam
giới, và khích lệ họ tham gia tích cực thúc đẩy sự thay đổi. Ý chí của chúng ta
phải được đi kèm với việc huy động các nguồn lực, đầu tư vào bình đẳng giới,
thúc đẩy các tiến bộ kinh tế, chính trị, xã hội và các quyền lợi khác.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng làm việc
chăm chỉ để thiết lập một chương trình phát triển bền vững mới được xây dựng dựa
trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và phát triển các chính sách, chương
trình đầu tư xã hội cho các thế hệ tương lai. Để thực sự tạo được sự thay đổi,
các chương trình phát triển sau năm 2015 cần phải thiết lập những ưu tiên về
bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Thế giới sẽ không bao giờ hoàn toàn đạt
được mục tiêu của mình nếu một nửa số người trên thế giới không thể nhận ra tiềm
năng của họ. Trao quyền cho phụ nữ, đó chính là chúng ta có thể đảm bảo tương
lai của tất cả mọi người./.
Khánh Linh (Nguồn: CPV)