Xuân về khu tái định cư Chân Sơn - Tuyên Quang

03:21 AM 09/02/2015 |   Lượt xem: 1770 |   In bài viết | 

 Chúng tôi tới thăm gia đình ông Mã Văn Nhất, dân tộc Tày, thôn Hoàng Sơn, xã Chân Sơn, đúng thời điểm vợ chồng ông đang bốc hàng lên xe ô tô tải của gia đình để chở hàng đi phục vụ Tết cho bà con trong xã. Lau vội đám bụi còn bám trên quần áo, ông Nhất vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của gia đình ông tại nơi ở mới. Năm 2004, gia đình ông Nhất cùng 21 gia đình dân tộc Tày thôn Nà Cọom, xã Thúy Loa, huyện Nà Hang, di dân về thôn Hoàng Sơn, xã Chân Sơn, phục vụ dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Tuyên Quang. Ngày trước, tại thôn Nà Cọom, cuộc sống của gia đình ông Nhất khá khó khăn, vì ở trên núi cao, ít đất canh tác, việc tăng gia sản xuất chủ yếu canh tác theo phương pháp truyền thống địa phương, làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Sau khi về nơi ở mới, ngoài diện tích đất ở, gia đình ông Nhất được Nhà nước cấp 500 mét vuông đất sản xuất nông nghiệp, được cán bộ khuyến nông thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cùng với tinh thần tự lực nên công việc làm ăn của gia đình ông ngày một khá giả, lúc nào thóc lúa cũng đầy bồ, không lo thiếu đói. Ông còn đầu tư nấu rượu ngô đặc sản kết hợp với chăn nuôi lợn quy mô lớn, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ông Nhất phấn khởi cho biết: “Tết này, gia đình đã chuẩn bị 1 con lợn 60kg và nhiều loại thực phẩm khác để thiết đãi anh em, bạn bè, mừng cho gia đình vừa mua được 1 chiếc ô tô tải trị giá gần 400 triệu đồng để phục vụ nhu cầu chở hàng hóa cho bà con trong thôn.
 
Ông Vũ Hồng Sáng, Trưởng thôn Hoàng Sơn cho biết: Thôn có 134 hộ với 448 nhân khẩu, trong đó có 21 hộ tái định cư, đời sống người dân đã ổn định, không còn hộ nghèo. Tết này các hộ đồng bào tái định cư trong thôn tổ chức ăn Tết theo truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, bà con mổ lợn mời nhau đến uống rượu rồi trao đổi, rút kinh nghiệm một năm qua, ai cũng vô cùng phấn khởi.
 
Đường vào thôn Đèo Hoa giờ đã phẳng phiu rộng rãi, chợ họp tại đầu thôn với lá dong, khoai tây, măng khô, thịt lợn, gà là những sản vật của địa phương, càng làm cho không khí ngày Tết như đang đến gần hơn. Các chị, các mẹ trong những bộ trang phục truyền thống hồ hởi đi sắm Tết, niềm vui hiện rõ qua từng ánh mắt, nụ cười.
 
Tết Ất Mùi năm nay tròn 11 năm gia đình anh Hoàng Văn Viên, thôn Đèo Hoa đón xuân trên quê hương mới. Trong ngôi nhà sàn bằng gỗ khang trang được làm theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, anh Viên cho biết: Gia đình tôi trước đây sống ở bản Nà Cọom, xã Thúy Loa, huyện Nà Hang. Trước khi chuyển về xã Chân Sơn, gia đình tôi rất lo lắng bởi không biết sẽ làm ăn sinh sống ra sao. Sau khi về nơi ở mới, gia đình tôi được cấp 1.000m2 đất để sản xuất, chăn nuôi lợn, gà. Được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nên mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 60 triệu đồng tiền lãi. Từ đó cuộc sống của gia đình đủ đầy hơn, con cái có điều kiện học hành tốt hơn, mở ra tương lai tươi sáng.
 
Ông Tạ Quang Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Sơn cho biết: Những năm qua, đồng bào tái định cư tại xã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, hỗ trợ máy nông nghiệp, con giống, tạo điều kiện ổn định cuộc sống. Xã luôn thực hiện đầy đủ chính sách của UBND tỉnh đối với người dân khu tái định cư và sắp xếp những người có uy tín làm trưởng thôn, bí thư chi bộ, cán bộ phụ nữ, cán bộ hội nông dân… để họ sớm hòa nhập với cộng đồng tại nơi ở mới. Đến nay, những hộ tái định cư đã có cuộc sống ổn định, luôn chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sống đoàn kết với những người dân trong xã./.

Quang Cường/TTXVN