Sản phẩm văn hóa từ quả bầu khô của dân tộc Ê Đê

09:17 AM 21/01/2015 |   Lượt xem: 1876 |   In bài viết | 

Nay quả bầu khô cùng với cây tre, nứa được các nghệ nhân chế tác thành những nhạc cụ độc đáo, trong đó có kèn.

Từ quả bầu khô, nghệ nhân người Ê Đê Ama Loan, ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột sáng tạo nhiều loại kèn như đinh năm, đinh tặc tà, kupuốt, brố... Nghệ nhân Ama Loan cho biết: Để làm được những chiếc kèn từ quả bầu khô đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Làm kèn đinh tặc tà yêu cầu quả bầu khi hái về phải được phơi nắng trong sáu tháng, hơ trên bếp lửa một năm để có mầu đen tự nhiên; khoét ba lỗ trên miệng và thân quả bầu, rồi đút những thanh tre vào, dùng sáp ong dán kín lại để khi thổi vào lưỡi gà thì thoát ra thanh âm trầm bổng khác nhau.

Mỗi ngày nghệ nhân Ama Loan có thể chế tác được vài ba chiếc kèn. Những chiếc kèn làm từ quả bầu được nhiều người yêu thích đặt mua vì chúng không chỉ là nhạc cụ mà còn trở thành trang trí trong nhà. Nghệ nhân Ama Loan chia sẻ, tôi muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ, kế thừa và phát huy để giá trị văn hóa của dân tộc không bị mất đi trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Hiện nay, tỉnh Đác Lắc trồng bầu phục vụ đời sống sinh hoạt và đưa vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân ở các buôn thuộc xã Cư Êbur, xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột), xã Cư Pơng (huyện Krông Búc), xã Ea Hồ (huyện Krông Năng)... Sau sáu tháng, bà con thu hoạch quả bầu xấu thì để ăn, quả đẹp dành bán cho các cửa hàng với giá mỗi quả từ 15 nghìn đến 20 nghìn đồng. Chị Mùi Thị Phương Thy, chủ Cửa hàng mỹ nghệ Nghĩa Hưng ở đường Phan Bội Châu, TP Buôn Ma Thuột kể: Những đồ chế tác từ quả bầu khô được nhiều du khách chọn mua làm kỷ niệm, cứ ba tuần cửa hàng tôi lại nhập hàng một lần, mỗi lần từ 100 đến 200 quả. Quả bầu khô chế tác được rất nhiều đồ mỹ nghệ như chuông gió, đèn ngủ, đồ trang trí trong quán cà-phê, làm đồ phong thủy...

Trước sự phát triển của những vật dụng bằng nhựa hay sứ, dưới bàn tay của các nghệ nhân, quả bầu khô, với những sản phẩm đa dạng và phong phú, luôn trở thành nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên.

Thuận An (Nguồn: Báo Nhân dân)