Điều tra thực trạng KT-XH 53 dân tộc thiểu số

03:16 AM 06/01/2015 |   Lượt xem: 2477 |   In bài viết | 

Theo đó, Đề án sẽ điều tra, thu thập thông tin về dân số và phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; kinh tế; nghèo đói, an sinh xã hội; văn hoá, xã hội; giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế và vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ, đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn.

Chu kỳ tiến hành điều tra 5 năm một lần, vào ngày 1/7 các năm có số cuối là 4 và 9. Lần thứ nhất điều tra vào quý I năm 2015. Kinh phí thực hiện cuộc điều tra do ngân sách trung ương cấp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Dân tộc theo dõi, giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin, số liệu của cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số từ Tổng cục Thống kê.

Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan định kỳ của cuộc điều tra, rà soát, làm rõ những chỉ tiêu điều tra có thể khai thác từ số liệu của các cuộc tổng điều tra và các cuộc điều tra của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoặc đã có sẵn trong thông tin quản lý của các cấp, các ngành, những chỉ tiêu cần điều tra mới hoặc điều tra bổ sung làm cơ sở để xây dựng phương án, nội dung, kế hoạch và dự toán kinh phí của cuộc điều tra, thu thập thông tin trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức điều tra, thu thập thông tin và chuyển giao kết quả sản phẩm cho Ủy ban Dân tộc theo quy định.

Thực tế cho thấy việc thực hiện Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số là hết sức cấp thiết.

Hiện nay trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số chưa được điều tra một cách thống nhất, toàn diện dẫn đến việc thu thập, cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu về dân tộc và công tác dân tộc không đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, thống nhất, nhiều khi thiếu chính xác…

Do vậy, Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số không chỉ hướng đến việc đánh giá trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của cả nước, đồng thời còn đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc. Từ đó làm tiền đề để xây dựng chính sách dân tộc góp phần khuyến khích, hỗ trợ để đồng bào dân tộc phát huy được nội lực, giảm bớt sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của các dân tộc.

Phương Nhi (Nguồn: chinhphu.vn)