Quyền con người ở Việt Nam bắt nhịp cùng xu thế tiến bộ của thời đại
09:23 AM 12/12/2014 | Lượt xem: 3710 In bài viết |Năm nay, nhân loại tiến bộ kỷ niệm Ngày Nhân quyền thế giới trong bối cảnh các
cuộc biểu tình đòi quyền được đối xử công bằng, đòi công ăn việc làm, đòi các
quyền cơ bản nhất của con người… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên hầu khắp
các châu lục. Đâu đó, trong nước, một số sự phản đối thiếu tính xây dựng cũng đã
xuất hiện. Lợi dụng việc các cơ quan bảo vệ pháp luật ngăn chặn một số phần tử,
lợi dụng các quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, xâm
phạm quyền con người của các công dân khác, một số cơ quan truyền thông ở nước
ngoài và các phần tử chống đối trên mạng xã hội ở trong nước đã lên tiếng, vu
cáo Nhà nước Việt Nam về cái mà họ gọi là “còn nhiều vi phạm nhân quyền quan
trọng”. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào?
Trong những năm qua, Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo
vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để bảo đảm và thực hiện quyền con
người trên thực tế. Quyền con người ở Việt Nam được bảo đảm bằng một hệ thống
pháp luật đầy đủ và đang ngày càng bám sát những tiến bộ về nhân quyền mà nhân
loại đã và đang đạt được.
Thông qua việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực
thi các biện pháp cụ thể, Việt Nam xác định thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời, đây cũng là sự hiện thực hóa
các cam kết đối với các khuôn khổ pháp lý và thể chế quốc tế mà Việt Nam là
thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam năm 1946 mới chỉ gồm có 70 Điều, nhưng
đã có tới 18 điều quy định các quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân. Từ Hiến pháp
năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất này đã qua
4 lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Qua mỗi lần
sửa đổi, quyền con người hiến định ngày càng rõ ràng, theo kịp những tiến bộ về
nhân quyền mà loài người đạt được. Hiến pháp sửa đổi năm 2013, kế thừa và phát
huy tính ưu việt của những bản Hiến pháp trước đó, đã tiếp tục ưu tiên phát huy
nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con
người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp
này tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền con người; đồng thời, đã bổ sung
một số quyền mới, là kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở nước ta, phù
hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân
về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo
vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có
thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc
phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của
cộng đồng. Cũng như ở tất cả các quốc gia khác, ở Việt Nam, quyền công dân không
tách rời nghĩa vụ công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người
khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc
gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Mọi người đều bình đẳng
trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự,
kinh tế, văn hóa, xã hội. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có
chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình
tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã
hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Các quyền con người quy định trong Hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hóa
trong các văn bản pháp quy của Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, Việt Nam
đã ban hành 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó, có hơn 40 bộ luật và
luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3.000 văn bản
pháp quy của các bộ, ngành đã được thông qua và thực thi.
Từ năm 2009 đến nay, Quốc hội Việt Nam đã ban hành và sửa đổi nhiều đạo luật
quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc tôn trọng và bảo
đảm thực thi quyền con người. Các quyền của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương được
bảo đảm thực hiện thông qua hàng loạt các Luật như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục trẻ em năm 2004, Bộ Luật dân sự năm 2005, Luật Bình đẳng giới năm 2006,
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Các Luật này
đã thể hiện rất rõ chính sách xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phát
huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của Việt Nam, chăm sóc đời sống vật chất và
tinh thần của những đối tượng dễ bị tổn thương như: Người già, người tàn tật,
trẻ em, phụ nữ.
Thực tế đã chứng minh, ở Việt Nam, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện những cơ
sở pháp lý, đảm bảo thực thi quyền con người, Đảng, Nhà nước Việt Nam còn huy
động toàn bộ hệ thống chính trị hùng hậu vào việc thực thi quyền con người trên
thực tế. Là một đất nước kém phát triển, chịu hậu quả của nhiều cuộc chiến
tranh, quyền “được ăn no, mặc ấm” của người dân vẫn còn là một thách thức lớn.
Chính vì vậy, giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên
hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam,
nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ
của Liên hợp quốc.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 được Đại hội Đảng
Cộng sản Việt Nam lần thứ XI thông qua tháng 1/2011 với mục tiêu tổng quát: Phấn
đấu đến năm 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề vững
chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Do đó, các chương trình và chính
sách giảm nghèo của Chính phủ đã được xây dựng tập trung trên ba chiến lược
chính: Thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người
nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng
cường năng lực và nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng nghèo. Những chiến
lược này được hiện thực hóa bằng các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo và
phát triển xã hội, trong đó, tập trung vào 5 nhóm chính sách: Tín dụng, phát
triển sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế. Nhờ đó, người nghèo
được tiếp cận với các nguồn lực (vốn, đất sản xuất, công nghệ, thị trường…) và
các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nước sạch, trợ giúp pháp lý…). Tính
đến năm 2010, có hơn 77% người nghèo được hưởng lợi từ các chương trình và chính
sách hỗ trợ của Chính phủ, cho thấy mức độ phổ cập chính sách rộng khắp trên cả
nước.
Đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng những chính
sách giảm nghèo, bà Victoria Kwa kwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB)
tại Việt Nam nhấn mạnh: Thành công của Việt Nam có được đầu tiên là nhờ vào tầm
nhìn và quyết tâm lãnh đạo của Chính phủ, cũng như tinh thần chịu khó, làm việc
chăm chỉ của người dân Việt Nam. Là đối tác phát triển, WB rất tự hào được đồng
hành cùng Việt Nam trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm
nghèo thời gian qua, đóng góp cho sự phát triển chung của Việt Nam . Cơ hội hợp
tác này cũng giúp cho WB kiểm nghiệm những ý tưởng mới với điều chắc chắn rằng,
hỗ trợ phát triển là có thể làm được và hiệu quả.
Chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ
về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo là chương trình lớn và
quan trọng, có tác động mạnh đến giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống của người
nghèo. Chương trình này đã lồng ghép một loạt các hạng mục phát triển kinh tế -
xã hội như: Phát triển cơ sở hạ tầng công cộng cấp xã, tín dụng cho người nghèo,
bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và các chương
trình khuyến nông. Với chính sách toàn diện thúc đẩy mọi khía cạnh của đời sống,
hướng đến nhóm dân cư dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất ở vùng sâu, vùng xa,
các chương trình này đã đạt được mục tiêu chung là giảm nghèo, tăng thu nhập và
cải thiện điều kiện sống của nhóm người dân những vùng này. Kết quả đánh giá tác
động qua 3 năm thực hiện cho thấy, tỉ lệ nghèo đã giảm 4-5%/năm và khả năng tiếp
cận dịch vụ xã hội như: Giáo dục, y tế, điện, nước sạch của các hộ gia đình tăng
đáng kể.
Vấn đề đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp cũng được Nhà nước quan tâm. Nhiều
chính sách, chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở
như người lao động tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên, người nghèo ở
nông thôn, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị..., đã được ban hành và
triển khai thực hiện trên thực tế. Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về
một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh
viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại
khu vực đô thị. Thông qua các chương trình đó, đến nay, đã có hơn 530.000 hộ
nghèo được hỗ trợ về nhà ở; có 62 dự án nhà ở cho công nhân với tổng quy mô
11.719 căn hộ được hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho 67.600 công nhân lao động tại
các khu công nghiệp. 163 khối nhà cho sinh viên đã được đưa vào sử dụng, đáp ứng
khoảng 140.000 chỗ ở (dự kiến hết năm 2013 sẽ đáp ứng được chỗ ở cho 330.000
sinh viên). 56 dự án nhà cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị được triển
khai, đáp ứng cho khoảng 130.000 hộ thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở.
Việt Nam cũng đang nghiên cứu, soạn thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội
thông qua vào năm 2014, trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ người
nghèo (cả đô thị và nông thôn), người thu nhập thấp và các đối tượng ưu tiên
khác như: Công nhân tại khu công nghiệp, học sinh, sinh viên… Trong thời gian
tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội, nhà cho
thuê ở khu vực đô thị và nhà ở tái định cư; thúc đẩy các biện pháp tăng cường
trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc xây dựng
nhà ở cho người nghèo nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn có nhà ở, ổn định cuộc
sống.
Ghi nhận thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, bà Victoria Kwa kwa nhận
định: Hai mươi năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Năm 1993, Việt
Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với bình quân thu nhập đầu
người chỉ khoảng 100 đô la Mỹ và có các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội.
Ngày nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế
có quy mô gần 154 tỉ đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1700 đô la
Mỹ. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993, xuống còn khoảng 10% năm 2012, với
hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện cao hơn phần lớn
các nước có cùng mức thu nhập và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn.
Việt Nam đã đạt được 5 trong số 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs) ban
đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 3 mục tiêu nữa vào năm 2015.
Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế gặp khó khăn hơn trước, nhưng
nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội vẫn được Việt Nam ưu tiên duy trì. Chương trình
mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo trên
cả nước đã giảm từ 13,7% năm 2008 xuống còn 9,6% năm 2012 và dự kiến còn khoảng
7,6 - 7,8% vào cuối năm 2013. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng gần 2 lần
trong 5 năm qua. Năm 2012, số lượt hộ thiếu đói giảm 27,6% và tỷ lệ hộ nghèo cả
nước cũng giảm 1,76% so với năm 2011. Xu thế giảm mạnh được thể hiện ở cả 3
thước đo nghèo quan trọng: Tỉ lệ nghèo, khoảng cách nghèo và mức độ nghiêm trọng
của nghèo. Điều quan trọng là không chỉ một số lượng lớn người dân thoát nghèo
mà mức sống và chất lượng sống của họ được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ở
62 huyện nghèo bình quân giảm hơn 7%/năm. Hơn 1 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn
tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, hơn 500 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ về
nhà ở. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Công nhận thành tích nổi bật trong xóa đói, giảm nghèo thời gian qua, Tổ chức
Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết: Việt Nam nằm trong số 38
quốc gia được vinh danh là nước có nhiều thành tích trong công cuộc xóa đói giảm
nghèo. Chính sách xóa đói nghèo của Việt Nam không chỉ nhằm giúp tăng thu nhập
cho người nghèo mà còn giúp họ cải thiện sinh kế và tiếp cận với các dịch vụ xã
hội như: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hòa nhập xã hội. Nhà nước cũng mở rộng đối
tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên lên trên 2,5 triệu người, tăng mức, mở
rộng diện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt
cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, hỗ trợ gạo cho học
sinh.
Năm 2013, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu
rất cao. Sự kiện này là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu
trong công cuộc đổi mới toàn diện, chính sách, nỗ lực và kết quả tích cực đạt
được về quyền con người ở Việt Nam. Tham gia Hội đồng nhân quyền với tư cách
quốc gia thành viên, Việt Nam sẽ có thêm điều kiện chia sẻ những kinh nghiệm bảo
vệ, thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đóng góp đầy đủ hơn trong vấn đề quốc
tế lớn hiện nay là quyền con người, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác quốc
tế và tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Những sự kiện trên đây, chỉ là một phần minh chứng, khẳng định nhân quyền ở
Việt Nam luôn được đảm bảo và thực thi một cách nghiêm chỉnh, đúng pháp luật và
phù hợp với các điều ước quốc tế./.
Tô Chu (Nguồn: CPV)