Khởi sắc ở huyện miền núi Tánh Linh

10:36 AM 27/11/2014 |   Lượt xem: 1666 |   In bài viết | 

 Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của đồng bào dân tộc, Tánh Linh đã có những đổi thay rõ nét.
 
Một trong những chính sách quan trọng, góp phần mang lại sự đổi thay cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây là Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, về việc cấp đất sản xuất và hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 04, đã có 878 hộ được cấp 1.027 ha đất sản xuất, tập trung trồng các loại cây phù hợp như điều, cao su và các giống cây ngắn ngày như sắn, ngô... Nhờ đó, đã phát huy hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cao, giúp đồng bào tích lũy được vốn để tái sản xuất. 
 
Ông Nguyễn Văn Mẽng, dân tộc K’Ho, ở xã La Ngâu của huyện Tánh Linh, là một trong nhiều gương sản xuất tiêu biểu thoát nghèo nhờ Nghị quyết 04. Cũng như nhiều hộ dân tộc thiểu số K’Ho khác ở xã La Ngâu, trước năm 2005, do không biết canh tác, chăn nuôi, đồng thời thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, gia đình ông luôn bị đói khi giáp hạt.  
 
Với 3 ha đất được cấp, gia đình ông trồng cao su và điều. Ông Nguyễn Văn Mẽng còn được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 10 triệu đồng để mua 2 con bò giống. Nuôi hai năm, bò đẻ 2 con, ông để lại tiếp tục gây giống. Đến nay, đàn bò của gia đình ông Mẽng đã tăng lên gần chục con, bán đi đủ trả nợ ngân hàng và đầu tư vào trồng cao su. 
 
Đến cuối năm 2014, huyện Tánh Linh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, các chính sách về an sinh xã hội được đảm bảo, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 80%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai đều khắp. Chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18% (tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 là 55,5%). 
 
Ông Nguyễn Như Hùng, Chánh Văn phòng UBND huyện Tánh Linh phấn khởi cho biết: Nhờ có hệ thống thủy lợi, máy bơm điện trải đều ở từng vùng, giờ đây, bà con không còn bị động trong nguồn nước sản xuất, chính vì thế mà hơn 70% diện tích lúa và ngô lai của đồng bào đã chủ động được nước tưới. Những kết quả trên đã khẳng định ý nghĩa của các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh (Nguồn: baotintuc.vn)